Những đặc điểm của chim Khướu tốt

Những đặc điểm của chim Khướu tốt

Theo tâm lý thông thường thì những ai mới bắt tay vào nghề nuôi chim hót, do quá ham thích nên muốn nuôi thật nhiều con, nhiều giống, vừa để có cơ hội học hỏi kinh nghiệm, vừa để chọn lựa ra một số chim tốt mà nuôi…
[​IMG]
Ngược lại, với người nuôi chim chuyên nghiệp thì họ lại chỉ muốn nuôi với số lượng nhỏ, dù là chỉ một vài con, nhưng đó là những chim đã qua tuyển lựa kỹ càng. Nuôi ít là để đỡ tốn công chăm sóc, và cũng đỡ tốn tiền nuôi ăn.

Trong việc nuôi chim, đã nuôi thì đừng ngại tốn kém. Gặp mùa cào cào hay sâu tươi quả hút, giá đắt “như vàng”, có khi còn phải sắp hàng mà mua thì lúc đó mới thấy… thấm thía, mới thấy nuôi số lượng chim quá nhiều mà không ra gì là… dại!

Tốt hơn hết, thà nuôi ít, nhưng nên chọn chim có những đặc điểm tốt mà nuôi.

Con chim gọi là tốt, là hay, đáng vóc điệu bộ và tài năng của nó phần lớn là do bẩm sinh mà có, một phần nữa có thể là do sự tập luyện của chủ nuôi, chứ không tuyệt đối là do vùng nó sinh sống.

Nếu có người nào đó quả quyết cho rằng Khướu ở vùng này hay hơn vùng kia thì ta đừng nên vội tin, mà nên kiểm chứng lại.

Theo chúng tôi, chim hay hoặc dở là tùy ở mỗi con, chứ không phải tùy vùng chúng sinh sống! Chim Khe Sanh, chim Phú Giáo có nhiều người cho là hay, nhưng thực tế cho thấy đâu phải con nào cũng có tài năng cả? Nếu chọn sắc lông mà nuôi thì việc chọn vùng có lý hơn, vì chim vùng này sắc lông khác với chim vùng khác! Nhưng sắc lông hung đỏ, hay vàng hoặc xám, ở chim Khướu không đủ sức gây ấn tượng gì đối với người chơi chim cả.

Nói đến Khướu là phải nói đến giọng hót có hay hay không, điệu bộ có xuất sắc hay không, còn màu lông thì… không thành vấn đề! Ngay cả giống Khướu xuất xứ từ vùng này qua vùng khác cũng không được ai bàn cãi đến. Dù Mun hay Bạc má cũng là… Khướu mà thôi! Có điều hiện nay, trong giới nuôi chim ở miền Nam, nhiều người chỉ thích nuôi Khướu Bạc Má, cho rằng trông nó “tươi tắn” hơn Khướu Mun, nên giá bán Khướu Bạc Má bổi cao giá hơn Khướu Mun chút đỉnh!

Chọn một con Khướu tốt mà nuôi, người ta phải chọn những chim hội đủ ba tiêu chuẩn sau đây:

Giọng hót
Phần nhiều giọng Khướu có hai âm là âm Thổ và âm Kim. Nếu hót âm Thổ thì giọng trầm, còn âm Kim thì giọng nhỏ hơn nhưng vang xa. Tuy nhiên, Theo ý thích chung của giới nghệ nhân nuôi Khướu lâu năm thì đa số chấm con Thổ pha Kim, tức là giọng cao nhưng mà thanh tao.
Con Khướu được đánh giá có giọng hót hay là chim siêng hót, người trong nghề gọi là “mau mồm mau miệng”. Nó lại hót được nhiều giọng (tức là biết đảo tiếng một cách tài tình), chứ không phải chỉ hót đi hót lại có năm ba câu nghe đến phát ngấy!

Khướu hót hay là Khướu hót có bài bản, giọng hót dù trầm hay bỗng, dù khoan hay nhặt cũng có một âm điệu êm tai càng nghe càng thấy hay, mà nếu nghiền ngẫm lại càng thú vị. Trong giọng của con Khướu hót hay chứa chất những âm thanh nghe quen mà lạ, có khi nghe lạ mà lại quen, có sanh, phách, kèn, nhị, có tiếng gió hú, tiếng mưa rào, tiếng suối tuôn, tiếng thác đỗ. Trong đó có giọng Họa Mi, giọng Chích Chòe Lửa, và nhiều giọng chim thú khác… Nếu được nghe hai con Khướu “kỳ phùng địch thủ” đấu hót với nhau, kèm theo điệu múa đuôi múa cánh, chắc chắn người khó tánh đến đâu cũng phải say mê, tán thưởng.

Nuôi được con Khướu siêng hót, lại hót được nhiều giọng, chắc chắn ai cũng thích. Vì chim hót cả ngày, bất kể sáng, trưa, chiều, tối… gần như không lúc nào chịu ngưng miệng!

Vóc dáng
Con Khướu đẹp hay không là do ở vóc dáng của nó. Mỗi giống chim có một số tiêu chuẩn riêng để định vóc dáng. Khướu cũng vậy, Khướu là loại chim hót lớn con, nên vóc dáng của nó được định theo những tiêu chuẩn sau đây:
Phần đầu: Con Khướu có đầu đẹp là đầu phải nhỏ và dài. Mỏ phải thon, hàm vừa phải, không bạnh ra quá (nó khác với chim Họa Mi ở điểm này). Khướu mà “Thon mỏ nhỏ đầu” là con Khướu khôn, biết học nhanh những giọng chim thú khác để làm vốn liếng cho giọng hót của mình, nên giọng nó rất hay.
Phần mắt: Khướu quí nhất là Khướu mắt thau (mắt màu vàng), kế đó là Khướu mắt đỏ (mắt hột lựu), sau đó là Khướu mắt nâu. Những chim này hiếm thấy, nhất là Khướu mắt Thau, vài trăm con mới chọn được một. Chim này dùng làm chim mồi thì tuyệt nhất, vì đó là chim dữ lại siêng hót, không sợ một con bổi nào.
Phần mình: Nên chọn những con có mình dài, vì loại này trường lực. Hơn nữa, mình dài trông con chim có dáng đẹp hơn.
Phần đuôi: Nên chọn Khướu có đuôi dài mà to bản (gọi là đuôi Thước), loại này vừa đẹp vừa khôn. Nếu là chim biết múa đuôi trông lại càng đẹp mã.
Phần chân: Lựa nuôi con chân to, cao ráo, móng đầy đủ và đống ngay thẳng để tạo cái thế đứng vững trên cầu.
Phần lông: Bộ lông không cần phân biệt màu sắc gì, chỉ cần mướt mắt, ánh sắc. Lông đuôi và lông cánh phải nguyên vẹn, không được gãy một chiếc nào. Nếu là Khướu Mun thì má phải có màu đen bóng. Nếu là Khướu Bạc Má thì chùm lông trắng ở má phải to bản và trắng tinh mới đẹp. Cái yếm đen ở cổ càng dài xuống ngực càng tốt. Chim có yếm dài là chim khôn, hót hay.
Điệu bộ
Điệu bộ của chim Khướu được đánh giá là sự duyên dáng của nó. Nét duyên dáng này càng khởi sắc chừng nào thì con Khướu có giá trị cao chừng nấy. Vì vậy, điệu bộ tốt của chim cũng rất quan trọng, vì thường những con chim quí mới có điệu bộ tốt, nó dược đánh giá ngang ngửa với giọng hót của chim. Khi chọn con chim tốt mà nuôi ta nên chú ý nhiều đến điểm này – Múa đuôi: Khướu biết múa đuôi là mỗi khi cất tiếng hót nó xòe đuôi rộng ra như rẽ quạt, và nhịp đuôi lên xuống nhịp nhàng. Thường thì đuôi Khướu không bật lên cao và mạnh như cách bật đuôi của Chích Chòe Lửa. Nếu khi hót mà đuôi Khướu cũng nhịp lên xuống, nhưng không xoè thì không thể gọi đó là múa đuôi được. Nên gọi là nhịp đuôi, nhưng chim biết nhịp đuôi khi hót thì cũng thường thấy, không có gì đặc biệt.
Múa cánh
Khướu biết múa cánh là khi hót hai cánh của nó xòe rộng ra gàn giống như cái thế đang bay, trông tuyệt đẹp. Khướu mà biết múa cánh như vậy là Khướu quí, hiếm thấy. Nếu cánh chỉ dang rộng ở mức vừa phải cũng là Khướu tốt, nhưng chưa thể gọi là quí.
Khi hót mà Khướu hiét múa đuôi múa cánh trông chẳng khác gì điệu vũ của chim Công, chim Trĩ, ai nhìn cũng thích.
Không sàng cầu
Không sàng cầu là con Khướu có nét tốt, hễ đứng trên cầu đậu là đứng yên chỗ, không hề sàng qua sàng lại mất thẩm mỹ.

Tật sàng cầu thì không xấu lắm, nhưng thường những chim có nét xấu sàng cầu là chim ưa nhảy lồng, tuy chim nuôi thuộc mà như chim bổi. Cái tật xấu này đã hạ giá trị con chim xuống mức thấp, nên không mấy ai chuộng nuôi.
Cao cầu rộng háng: Đây là điệu bộ tốt của con Khướu đang đứng hót trên càu đậu.
Cao cầu có nghĩa là khi hót, Khướu đứng thật thẳng cả hai chân nên trông nó có vẻ tự tin.
Còn rộng háng là khi hót Khướu đứng dạng chân, tạo được sự hùng mạnh, hiên ngang. Thường những chim dữ mới có cái thế đứng này. Chim thật sự căng lửa cũng có thế đứng như vậy.
Tóm lại, muốn có con Khướu tốt, ta phải chịu khó chọn lựa kỹ càng từ giọng hót, từ vóc dáng, lẫn điệu bộ sao cho đúng chuẩn mới được. Việc chọn lựa cần phải có thời gian, dục tốc thường bất đạt. Khi chọn lựa, ta cần phải tỏ ra khe khắt với chính mình để tránh chủ quan, đôi khi lầm lẫn đáng tiếc. Đã gọi là tuyển thì phải lựa cho đến nơi đến chốn, cho thật vừa ý, may ra mới gặp được con Khướu có giá trị mà nuôi.
Người xưa chọn Khướu chỉ qua câu ca:
“Thon mỏ nhỏ đầu,
Cao cầu rộng háng”
Nhưng, liệu bao nhiêu tiêu chuẩn đó đã đủ chưa? Khướu chọn theo tiêu chuẩn này thì khôn, nhưng theo quan niệm thi hót ngày nay, Khướu hót hay chưa đủ, còn chấm điểm phần điệu bộ và vóc dáng của nó nữa!
Vì vậy, những tiêu chuẩn mà chúng tôi vừa trình bày ở trên, đáp ứng đúng với yêu cầu hiện tại. Ngay điều lệ chấm thi Khướu hót, như quí vị đã biết, muốn thắng cuộc con chim phải hội đủ tài năng, sắc vóc… Nghĩa là hót hay chưa đủ, còn phải có vóc dáng tốt và điệu hộ xuất sắc mới được.
Nên chọn cho mình con Khướu tốt mà nuôi để khỏi phí công nuôi nấng và chăm sóc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *