Chuyện phiếm về nuôi chim Khướu

Chuyện phiếm về nuôi chim Khướu

Chuyện đời cũng có cái lạ, thường những con chim có vóc dáng tầm thường, sắc lông xấu xí lại hót thật hay. Trái lại, những chim có màu sắc tươi tắn lại hót quá dở.
[​IMG]
Chim Khướu ở trong trương hợp trái ngược đó. Phải thẳng thắn mà nói, bộ lông Khướu đâu có gì hấp dẫn, nó tối sẫm như sắc áo của một vị thầy tu, thô nhưng giọng hót của Khướu lại quá hay, quá độc đáo, ít có chim nào sánh nổi! Chính vì vậy nó mới được người đời gán cho cái danh hiệu là Khướu Bách Thanh. Con chim có tài hót được cả trăm giọng!

Nổi tiếng có giọng hót hay như Họa Mi thử hỏi đã nhận được đanh hiệu đó chưa?

Vì vậy, khi bàn đến con Khướu, không ai lại dành hơi sức để bàn qua tán lại đến cái đẹp bên ngoài của nó, mà chỉ đề cập đến phần tài năng xuất chúng của nó mà thôi!

Cái tài của Khướu là hót thật hay, hót được nhiều giọng lại rất siêng hót. Nhưng, tán tụng Khướu như vậy xét ra cũng chưa đủ. Khướu còn có một tài khác, cũng vô cùng độc đáo là biết múa đuôi, múa cánh như Công, như Phượng vậy.

Có được tận mắt nhìn con Khướu vừa hót vừa múa, ta mới thấy được nét xuất thần của con chim có hộ dạng xấu xí mà thân tình, sỡ dĩ gọi là xuất thần vì khi hót và múa, con chim như quên cả thực tại để tập trung tất cả tâm cơ và trí lực của mình vào tác phẩm nghệ thuật mà nó cố tình trình diễn thật hay, thật bắt mắt… Khướu có thể say sưa múa, hót mỗi lần một vài phút, rồi lại tiếp nối thêm một vài phút… cứ thế và cứ thế khiến người khó tính nhất cũng phải buột lời khen ngợi.

Xin mời quí vị đến dự các kỳ thi hót của Khướu, quí vị sẽ được tận mắt chứng kiến các chàng ca sĩ tài hoa của núi rừng này, trình diễn say sưa những ca khúc tuyệt vời, có bài có bản hẳn hoi, ai nghe cũng thích.

Con chim quí đó Việt Nam mình có rất nhiều, nó sinh sống từ Nam ra Bắc, giá mua rất rẻ, lại rất dễ nuôi, thế nhưng, tiếc một điều là ít người nuôi nó. Người thành thị ít nuôi Khướu là có lý do, do giọng Khướu lo lại vang xa nên sợ làm buồn lòng hàng xóm. Còn ở vùng ngoại ô, vùng thôn quê tại sao lại vẫn ít người nuôi Khướu? Họ chê con Khướu (chỉ số ít) thường có giọng “khó nghe” như những tiếng “Khứa cổ! Khứa cổ!” hay tiếng “Ngheo! Ngheo!”… sao nó có vẻ “xui xẻo” quá!

À thì ra cái “tội” của Khướu là vậy nên mới bị một số người đời dù rất muốn nghe nó hót nhưng lại không “dám” nuôi.

Thực tâm mà nói, đó là do cái “tội” của Khướu hay là do ở tính tin dị đoan nhảm nhí của mình? Khướu nào lại biết cái chuyện ranh ma đi “trù ẻo” người? Tại sao không dịch tiếng “Khứa cổ” thành tiếng “thưa cô” chẳng hạn. Còn tiếng “Ngheo” tại sao cứ cố tình hiểu nó là “nghèo” mà không là một nghĩa nào hay ho và tốt đẹp khác.

May mà người mình ngày nay hầu hết không còn tin dị đoan nhảm nhí như trước nữa, nên càng ngày chim Khướu càng được nhiều người chọn nuôi. Người thành phố cũng đã nuôi nhiều, nay đi đến đâu cũng được nghe tiếng Khướu hót. Phong trào nuôi Khướu ở vùng ngoại ô lại càng khởi sắc hơn. Những điểm bán chim, số Khướu trưng bày không thua kém gì các giống chim khác…

Như chúng lôi đã từng dẫn chứng: vài ba năm trước đây, giá một con Khướu bổi chỉ ở mức hai ba chục ngàn thì nay đã có cái giá gấp bốn gấp năm. Bằng chứng hùng hồn đó cho thấy số người nuôi Khướu ngày nay đã đông, chứ đâu phải do thị trường nuôi chim Khướu hiếm? Giống chim rừng này Việt Nam mình thiếu gì, làm sao hiếm được?

Người nuôi Khướu để thưởng thức giọng hót, chỉ cần nuôi một vài con treo trước hiên nhà là đã cảm thấy mình được sống gần gũi với thiên nhiên, lúc nào cũng có tiếng chim hót líu lo trước cửa!

Chim Khướu lại dễ nuôi, ít tốn kém, vì thức ăn dễ kiếm lại rẻ tiền. Một lon tấm với năm trứng gà giá khoảng năm ngàn bạc mà chim ăn cả tháng vẫn còn! Không tiện đi mua cào cào, sâu tươi thì vài ba ngày chụp một con thằn lằn hay vài con gián, con dế cũng đủ bồi dưỡng cho con Khướu.

Nuôi Khướu còn có một cái thú khác. Nếu nhà có vườn rộng, thì có thể thả Khướu ra vườn để chim tự do bay nhảy, thỉnh thoảng lại kêu hót tưng bừng. Những con Khướu thả là những con chim nuôi đã thuần thuộc vài ba năm trở lên, chỉ cần nhà nuôi thêm một con Khướu mái để “cột chân cột cẳng” con trống lại…

Chúng tôi hy vọng rằng phong trào nuôi chim Khướu sẽ được nâng cao hơn nữa trong giới nuôi chim hót rừng khắp cả nước.

Nước ta còn có nhiều giống chim hay và lạ, vậy thì cần gì phải nhập chim các nước khác về cho tốn nhiều ngoại tệ, mà chưa chắc đã xuất sắc hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *