Những kiến thức căn bản về chim Họa mi

Những kiến thức căn bản về chim Họa mi

Nhằm giúp anh em mới vào nghề có được kiến thức cơ bản để nuôi và chơi chim thành công, tôi xin chia sẻ 1 số kinh nghiệm của bản thân, đồng thời, qua đây cũng rất mong nhận được ý kiến bổ sung của các bạn đã chơi lâu năm để giúp cho các anh em mới chơi qua các nội dung dưới đây

Bài 1 – Cách chọn chim Hoạ Mi:
– Về tổng thể: Chọn chim già rừng, hình thức phải thuộc một bộ nào đó ( ngũ trường hoặc ngũ đoản ) tác phong chững chạc, nhảy lên xuống theo quy luật, dù nó là chim mộc. khi nhảy phải phát ra âm nặng ( nghe Phịch phịch chứ không phải xoạch xoạch )
– Bộ lông Hoạ Mi: chọn chim có bộ lông mỏng, mềm và tơi xốp tơi, sáng màu, vùng lông trắng dưới bụng càng rộng càng tốt ( chú ý tránh lông dầu, loại chất lông có màu xẫm và bết dính, không tơi. vì loại chim này khó thuần dưỡng và khi đã mất lửa thì rất khó hồi phục, )
– Đầu Hoạ Mi: chọn chim có tảng đầu to, phẳng, gáy dài, lông đầu thưa và ngắn, càng ít hoa càng tốt. hai bên thái dương càng vuông càng tốt.
– Mắt Hoạ Mi: chọn loại mắt nhỏ, méo, mí dày, nhăn nheo, tối màu, con ngươi nhỏ và đục nhìn có vẩn như phù sa, hoạ đóng cao, lam mắt rộng và càng ít lông mi càng tốt
– Mỏ: chọn mỏ xẻ hoặc mỏ đúp đa là tốt nhất, nếu mỏ kênh, lỗ mũi to thì hay hót, chim chiến thì cần có hàm sâu và mỏ dưới dày, cạnh mỏ sắc, sống mỏ cao
– Chân: chọn chân khô, giống như cái chân gà phơi nắng, màu trắng vàng là tốt. Móng ngắn, cong, sắc nhọn, nhìn rõ tia máu trong lõi móng.
– Đuôi Hoạ mi: chọn đuôi dài cho bộ ngũ trường và đuôi dẻ quạt cho bộ ngũ đoản, đuôi dẻo, đệm đuôi dày.
– Cánh Hoạ Mi: chọn cánh buồm, hơi xệ, nhưng không phải xệ vì bị suy.
Về cơ bản là vậy, nhưng trên thực tế thì phải tuỳ cơ ứng biến cho phù hợp với điều kiện của mình, vì trên thực tế rất khó chọn được 1 chú chim hoàn hảo như lý thuyết.
——————————————————————————————————————
Bài 2 – Một số điểm cần tránh khi chọn chim Họa Mi:
– Một là, Họa Mi non rừng: Nhỏ con, mép vàng, lông mịn, chân tròn và ướt ( ví như da em bé )
Nếu còn mộc thì khi ta động vào lồng nó nhảy và húc đầu lung tung không có 1 quy luật nào cả.
Nếu đã thuộc thì có các biểu hiện sau: ở trong lông thì ỉa bậy và hay bới phân; treo trên cây thì hay vặt lá, bẻ cành nhìn cứ ngồ ngộ như đứa trẻ con vậy; Khi đặt dưới đất thì bới đất nhặt cát và tha các thứ linh tinh vào lồng; khi hót thì tắc cú, giật cục không thành bài vì chưa tốt nghiệp trường nghệ thuật tại rừng (chim chưa trưởng thành)
– Hai là, Họa mi lông dầu: tôi đã nói ở trên, loại này có bộ lông tối màu và bết dính, mặt lông bóng như dầu nhớt. loại này rất khó thuần và khi đã mất lửa thì rất khó lại được
– Ba là, Họa mi gáy lợn: gáy của nó không phẳng xuống lưng, mà có chỗ gợn lên như gáy con lợn. Loại này nếu chơi hót thì còn tạm chứ nếu chơi chiến thì dứt khoát không mua. Vì loại này dù có căng đến mấy thì khi đánh cũng nhát đòn và chạy sớm, thậm chí chỉ nghe đối phương hót cũng tự bù đầu,…
– Bốn là, Họa mi rậm đầu: Không nên chọn những con chim có bộ tóc dày, rậm và nhiều hoa. vì loại này là chim nhát, khó chơi và kém cả hót lẫn đánh.
– Năm là, Mắt loãng và sáng màu: Mắt là thứ quan trọng nhất, khi chọn không nên chọn con có chất mắt loãng, sáng long lanh như giọt sương.
– Sáu là, mắt lộ khóe: Không nên chọn chim có mắt lộ khóe. (mắt đóng không kín) cái da mắt không che hết con ngươi mà để lộ ra cái khóe mắt (chính là chỗ hay đùn gỉ ở mắt người)
————————————————————————————————————-
Bài 3 – Công thức làm cám Họa mi đơn giản
1. Thành phần:
– 1 kg cám gà con loại 28A ( của hãng con cò, loại này chim dễ tiêu hoá và chất lượng tốt
– 10 lòng đỏ trứng gà ta (đáp ứng hàm lượng đạm cho chim)
2.Cách làm:
– đổ cám ra chảo
– Đập trứng ra gạn lấy nguyên lòng đỏ dồn vào 1 cái bát
– Đổ đều lòng đỏ trứng vào cám và trộn đều lên
– Bắc chảo lên bếp rang nhỏ lửa khoảng 15 phút, lúc đó cám bốc hơi nghi ngút và cám đã hơi se lại và bớt vón cục.
– Đổ ra cái rổ để sàng cho hạt nhỏ rơi xuống một cái chậu nhôm
– Dùng bàn tay trà lên những hạt to trên rổ cho nó tan ra và lọt xuống hết
– cho lên bếp vặn lửa nhỏ rang cho thật khô rồi bắc ra để nguội cho vào lọ nhựa nắp kín cho ăn dần ( nhớ rang thật khô nhưng không được cháy, rang đến khi nào ta bốc lên tay thả xuống chảo nghe tiếng roong roong thì mới được )
Lưu ý: Làm kiểu này hạt cám rất nhỏ, rất dễ cháy, nên ta k rang bằng đũa mà dùng cái bàn sản ( đồ nấu ăn giống cái xẻng con ) đảo lộn lên liên tục. nếu mỏi tay thì có thể bắc chảo ra nghỉ rồi rang tiếp.
Đây là chế độ vip, hàm lượng đạm khá cao, nên trộn dần cám này với cám cũ cho ăn trước khi dùng hoàn toàn.
Khi ăn cám này chim ỉa phân như phân chim rừng. bãi nhỏ, có màu trắng, hơi nhão và có lõi đen nhỏ tý ở bên trong. Chăn cám này chim ăn rất ít, nhưng vẫn béo và căng, hót và chiến tốt. Khi cho cám này chim ăn rất ít mồi tươi. Vì nó khá đủ chất
Trong quá trình cho ăn cần theo dõi phân xem có hợp không, có 1 số ít con bị đi ngoài thì ngừng lại giảm bớt chất đạm rồi tăng dần lên bằng cách trộn tỷ lệ tăng dần
——————————————————————————————————

Bài 4 – Kỹ thuật xử lý chim mới mua về
Tập quán của chim họa mi là phân vùng, sống theo lãnh thổ. Khi ở nhà ta, chim cũ là chủ thống trị lãnh thổ của mình, còn chim về sau sẽ là kẻ lạ xâm chiếm lãnh thổ, cộng thêm các yếu tố bất lợi như: lạ môi trường, mất mái nên rất dễ bị chim cũ trong nhà hót đè cho ko thể lên được. Vì vậy khi mua chim mới về mà trong nhà đang có chim cũ thì nên lưu ý vài điểm cơ bản dau đây:
1. Trước khi đưa con chim mới về cần chuẩn bị sẵn 1 con mái, tách riêng ra nuôi ở chế độ cô độc, (không ghép với con trống nào cả) để sẵn sàng ghép cho con chim mới khi nó về
2. trùm kín và cất chim trống cũ làm sao để nó càng ít hót càng tốt
3. Khi đưa chim mới về thì ghép ngay với con mái đã chuẩn bị và tách riêng cặp này ra nơi yên tĩnh và thoáng đãng (ngoài vườn hoặc trên sân thượng, mở áo lồng để chim thấy mái và làm quen với môi trường mới, không được trùm kín áo lồng chim sẽ bị hoảng)
4. Tuyệt đối không được cho đối mặt với chim nhà khi chim mới về nhà
5. Nuôi gần mái và tạo điều kiện cho chim mới hót nhiều để mái chịu theo, cứ nuôi như vậy vài ngày đến 1 tuần thì chim sẽ quen thổ, ăn mái và ổn định dần. trong quá trình nuôi cần nhẹ nhàng và theo dõi để có chế độ nuôi hợp lý cho chim mới….
——————————————————————————————-
Bài 5 – Chế độ nuôi chim thay lông:
Cũng như các loại chim khác, Họa mi bắt đầu thay lông vào tháng 7, tháng 8 âm lịch hằng năm và kéo dài khoảng 1 đến 2 tháng tùy thuộc từng con, thường chim thuần thay nhanh và đồng loạt, còn chim mộc thay chậm và lai rai kéo dài. Trong giai đoanh này cần chú ý vài điểm như sau:
– Tách mái, nuôi đơn lẻ, hạn chế cho hót.
– Chế độ ăn: Cho ăn cám nhạt, giảm bớt độ đạm để trút lông nhanh.
– Chế độ ở: Trùm kín áo lồng chỉ hở chữ A trước cửa lồng; treo trong phòng kín, hạn chế tắm và cho ra ngoài thì lông sẽ trút nhanh và đều.
Thường là Họa mi sẽ thay lần lượt từ lông đầu đến lông cánh rồi đến lông đuôi, khi chim vào giai đoạn mọc lông mới thì nên tăng dần chế độ ăn và năng cho tắm để chim có bộ lông mượt mà đủ chất.
Trong giai đoạn thay lông chim thường yếu và mất lửa vì vậy không rãi dợt và xách đi xa, đợi khi chim khô lông và hồi phục thể lực mới nên mang đi chơi (kể cả chọi và hót)
—————————————————————————————————————–

Bài 6 – Trị rận mạt cho hoạ mi
Những người nuôi mi rất hay gặp trường hợp rận mạt xuất hiện trong lồng và trên cơ thể con chim
– Cách phát hiện:
Vào buổi tối khi chim đã ngủ ta lấy đèn pin soi sẽ thấy chúng bò ra ngoài lớp lông của chim. Nếu bị nhiễm nặng thì chúng còn bò cả lên tay ta khi ta xách lồng chim.
– Về nguyên nhân:
Rận mạt được sinh ra do quá trình ta nhốt chim lâu ngày mà thiếu vệ sinh lồng trại, nó tự sinh ra từ phân chim và các chất thải trong lồng
– Về cách khắc phục:
+ chọn ngày trời nắng
+ chuẩn bị 1 cái lồng khác để nhốt tạm từ trưa hôm trước đến sáng hôm sau
+Hòa khoảng 2 nắp chai lavie thuốc povidone vào khay nước tắm. ( thuốc này có màu như cocacola, mua tại hiệu thuốc bất kỳ, giá rẻ, khoảng 5000 đồng/lọ
+ Đuổi chim vào tắm bằng nước đó ( tôi đã làm nhiều và rất an toàn, hiệu quả ).Tắm xong cho ra chiếc lồng mới.
+ cọ rửa lồng cũ thật sạch, giặt sạch áo lồng, phơi khô.
+ Dùng thuốc xịt muỗi phun thât kỹ vào lồng, nhất là các khe lồng nơi bẩn nhất.
+ Trùm trùm áo lồng thật kín để đến tối mở ra hong cho hết mùi, để sáng hôm sau cho chim vào.
Tôi thường chỉ làm vậy 1 đến 2 lần là hết ngay, chúc các bạn thành công.

Trên đây là 1 số kinh nghiệm của bản thân mong muốn chi sẻ đến anh em mới chơi, rất mong nhận được thêm nhiều ý kiến bổ sung của các bác đi trước và các bạn đã nuôi chim lâu năm để anh em cùng trao đổi học tập, nâng cao hiệu quả nuôi và chơi Họa mi, xin trân trọng cảm ơn …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *