Một số bệnh chim Họa Mi thường bị

Một số bệnh chim Họa Mi thường bị

MỘT SỐ BỆNH HỌA MI THƯỜNG MẮC
Thưa ACE!
Bài này có rất nhiều nội dung cần đề cập nên hơi dài, bàn đến một số bệnh mà họa mi thường mắc, vì thế cần chia ra làm nhiều tiết, mỗi tiết xét một vài bệnh một cách cặn kẽ nhằm giúp ace mới chơi họa mi có thể khắc phục được hậu quả khi chim mắc bệnh và cần biết cách phòng bênh cho chim.
Thực ra chim họa mi là giống rất ít mắc bệnh nếu có chế độ dinh dưỡng và chăm nuôi đúng cách, tuy nhiên với chế độ chăm nuôi, dinh dưỡng không phù hợp nhu cầu đời sống, chúng có thể mắc khá nhiều bệnh và tật lỗi. Chúng ta bàn từng tiết nhé.

Tiết I
BỆNH ỈA CHẢY CỦA CHIM HỌA MI
Nguyên nhân, triệu chứng: Có nhiều nguyên nhân để chim mắc chứng ỉa chảy. Muốn điều trị tốt cần biết rõ nguyên nhân gây bệnh. 
+ Thông thường nhất của chim họa mi là do chủ nhân không nắm vứng chế độ dinh dưỡng của chim, cho ăn quá nhiều mồi tươi hoặc trong cám có nhiều chất đạm quá không tiêu hóa hết. Thức ăn còn thừa lên men trong ruột, thải ra độc tố làm chim ỉa lỏng, phân trắng như bột gạo kèm theo chất nhày của niêm mạc ruột.
+ Chim ăn phải thức ăn quá cũ, ẩm mốc dẫn đến ngộ độc Aflatoxin hoặc Micotoxin dẫn đến đi ỉa nước, cái lẫn lộn kèm theo chất nhày của ruột. Thí dụ về mùa nồm ẩm nếu đổ nhiều cám vào cóng, chim ăn vài ba ngày mới hết, cám hút ẩm trong không khí, lên men mốc rất nguy hiểm cho chim.
+ Chim ăn phải thức ăn hoặc nước uống không sạch dẫn đến nhiễm khuẩn đường tiêu hóa. 
Điều trị: Việc đầu tiên là giảm hoặc ngừng hẳn việc cho ăn mồi tươi, chỉ cho ăn cám nhạt nếu chim bị nhẹ sẽ tự khỏi.
Trường hợp nặng hơn: Hiện nay có một số hàng chim bán viên thuốc điều trị ỉa chảy của Trung Quốc. Thuốc này hòa với nước cho chim uống, bệnh có thể khỏi nhanh nhưng sau đó con chim thường mất sức trong một thời gian dài, vì thế chỉ nên dùng thuốc này trong trường hợp không thể tìm được những thuốc hữu hiệu khác. Nếu gần nơi chúng ta ở có hiệu thuốc thú y hãy đến đó mua viên thuốc điều trị tiêu chảy gia cầm của Việt Nam về hòa với nước cho uống trong 3 đến 4 ngày chim sẽ khỏi. Trường hợp chim ngộ độc nặng quá có thể tiêm Atropinsunfat (thuốc của người) với liều 0,003 đến 0,005 g/lần cho một con chim. Ngày tiêm 2 lần vào phần cơ ngực.


Bản thân tôi hay dùng viên Ercéfuryl (thuốc của người) do Pháp sản xuất màu vàng, đóng 14 viên /vỉ. Loại này hơi đắt tí nhưng rất tốt, Vị hơi ngọt, không mùi, màu vàng chuyên để giải độc tiêu hóa, chống nhiễm trùng đường ruột và ỉa chảy. Thuốc mua về lấy ra hai viên, rút vỏ dốc bột màu vàng vào cóng cám cho chim tự ăn, vài ba ngày là khỏi (xem ảnh dưới).
Trong trường hợp nhiễm khuẩn quá nặng, chữa lâu ngày không khỏi, ta nên điều trị tích cực bằng kháng sinh và thuốc đặc trị. Hãy ra hiệu thuốc tân dược của người mua vào viên Rifampicin và một vỉ Clorocid loại con nhộng chứa bột thuốc (viên nang). Rút một viên Rifampicin lấy bột trộn với bột của 3 viên Clorocid. Đem hỗn hợp ấy chia làm 6 phần đều nhau. Mỗi ngày cho uống 2 phần chia hai bữa x Sáng, tối. Sau 3 ngày uống hết thuốc sẽ khỏi. Đây là tình huống bất đắc dĩ phải dùng kháng sinh, không nên lạm dụng.


Đồng thời làm vệ sinh chuồng trại, dùng phích nước nóng giội vào sàn lồng mỗi ngày một lần sau khi làm vệ sinh.
Để phòng bệnh này, chúng ta chú ý hai vấn đề: 
Thứ nhất cần phải cho chim ăn mồi tười ở mức độ vừa phải. Khi cám đã làm tốt, đủ lượng đạm như các công thức trong bài số 2, chỉ nên cho ăn ngày 4 đến 6 con dế hoặc châu chấu, nếu cho ăn sâu chỉ nên mỗi ngày 2 đến 4 gam là đủ.
Thứ hai, chú ý mùa nồm ẩm chỉ nên cho vào cóng cám mỗi ngày 10 đến 12 gam cám, chim ăn trong ngày không hết ta bỏ ra khi cho chim đi ngủ, để tránh bị ẩm mốc.
Ngoài hai vấn đề trên, nước uống cũng cần lưu ý, ngày nào cũng phải rửa sạch cóng nước, không để sinh nhớt, rêu trong cóng hoặc nhiều chất bẩn dễ gây nhiễm khuẩn cho chim.
Tiết này ta dừng ở đây, tiết sau ta xét hai bệnh rất quan trọng là khàn tiếng và vảy mỏ của chim.
Chúc ACE mọi sự tốt lành và may mắn!

Atpic Lâm Kiệt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *