Họa mi tụt lửa và cách khắc phục

Họa mi tụt lửa và cách khắc phục

Bài dành cho các bạn mới chơi chim họa mi
CHIM TỤT LỬA BÙ ĐẦU
Trong thời gian vừa qua có các bạn
Nguyễn Hoàng Thông, Bình Vũ, Dương Phước Thành… và nhiều bạn khác có gửi câu hỏi đến chỗ tôi với nội dung tương tự như sau:
Chim của cháu đang hót bình thường, tự nhiên có hiện tượng xuống lửa bỏ hót, cho đi giàn hoặc cho hót với chim khác thì bị bù đầu. Xin bác cho biết cách khắc phục?
Xin trả lời các bạn thế này: Chim bù đầu bỏ hót là do giảm sút thể lực. Động vật hoang dã rất nhạy cảm, mọi biến đổi về thời gian, nhiệt độ, thể chất cơ thể… chúng đều cảm nhận được, người ta gọi là đồng hồ sinh học.
Trong thời gian từ mùa thu năm ngoái, bắt đầu mùa thay lông, chuyển qua mùa đông ít rét lại gặp ngay dịch cúm gia cầm H7N9 đầu xuân vì thế rất nhiều chim bị sa sút phong độ hoặc bị nhiễm bệnh chết thê thảm. Ngay câu lạc bộ Họa mi Hoàng Mai có bạn chêt đến 15 cá thể chim họa mi, còn những bạn bị chết một vài cá thể thì nhiều. Trong khi thời tiết thay đổi, dịch bệnh hoành hành, nhiều bạn chưa biết cách bảo vệ cho những chú chim yêu của mình nên việc giảm sút thể lực, xuống lửa bỏ hót là tất nhiên. Con chim đã xuống lửa, yếu ớt đương nhiên là khi hót đấu nó sợ hãi dựng “tóc” gáy, việc đó không có gì là lạ.
Để khắc phục tình trạng này, ta nên chọn nơi yên tĩnh, khuất gió để nuôi chim, hạn chế đi thi, đi dượt, đi chơi …Đồng thời lưu ý chế độ dinh dưỡng phải đủ chất (chất đạm, chất xơ, chất khoáng…). Lưu ý lượng mồi tươi cần vừa đủ, không nên nóng vội cho ăn mồi tươi quá nhiều dẫn đến chim bị ỉa chảy, thể lực càng suy giảm hơn.
Có bạn cho rằng trong thiên nhiên họa mi chỉ ăn mồi tươi mà có sao đâu!
Thực ra không phải thế. Thức ăn của họa mi trong thiên nhiên rất phong phú, ngoài các loài côn trùng và bò sát nhỏ ra, chúng còn ăn cả hoa quả, thậm chí là củ rừng nữa. Chúng có khả năng tự cảm nhận và cân đối phần thức ăn cho bản thân, đó là nói nhìn chung. Còn đương nhiên kỹ năng đó có con giỏi có con kém. Con nào giỏi, thích nghi được sẽ tồn tại, con nào kém đương nhiên là bị chết hoặc bị làm mồi cho loài khác. Chúng bị chết hoặc bị ăn thịt ở đâu chúng ta không thể đi theo nên không nhìn thấy được. Sự tồn tại của những con thích nghi được đó chính là chọn lọc tự nhiên.
Khâu vệ sinh. Cần lưu ý tắm và dọn rửa đáy lồng cho chim mỗi ngày. Nếu nhiệt độ môi trường xuống dưới 10 độ C không nên tắm cho chim nhưng vẫn phải lùa chim sang lồng khác để dọn đáy lồng, không để phân chim lưu cữu ngày nọ qua ngày kia.
Về mật độ chim nuôi. Có nhiều bạn nuôi tham, trong một diện tích nhà ở hai tầng chừng 80m vuông mà nuôi đến trên dưới chục cá thể chim là quá nhiều. Theo tôi với hai tầng như vậy chỉ nên nuôi hai chim trống là vừa, nếu có thể thì thêm một chim mái nữa là cùng. Việc nuôi nhiều chim cùng loài trong một diện tích không đủ rộng sẽ dẫn đến đè nhau hoặc lây lan dịch bệnh rất khó khống chế. Các bạn ở nông thôn và vùng núi có vườn rộng thì tùy theo khả năng mà nuôi cho phù hợp.
Nhiều bạn còn hỏi cách kích chim, làm sao cho chim mau căng. Thực ra tôi không chơi chim kiểu ấy. Việc kích chim chỉ làm hại con chim mà thôi. Người chơi chim thật sự là người không cần thi thố lấy nhiều giải (Tất nhiên có giải là tốt) nhưng giải không phải là tất cả để phản ánh tố chất và năng lực của người chơi chim! Cái cách thưởng thức tiếng hót, giọng hót của con chim mới là quan trọng nhất. Cứ đủng đỉnh mà chơi, uống cà phê nghe chim hót, thả tâm hồn thư thái trong một câu thơ, mình thông vóc hạc, tiên phong đạo cốt. Đó mới là cảnh giới cao nhất của thú chơi chim.
Cuối cùng xin thưa với ace rằng: Muốn con chim chóng bình phục, cần tránh xa hai chữ THAM và VỘI !
Chúc ace có một mùa chim an lành và vui vẻ!
Atpic Lâm Kiệt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *