Hoạ mi – thú chơi tao nhã

Hoạ mi – thú chơi tao nhã

Cái tên họa mi thật quen thuộc và dễ nhớ vì lẽ họa mi có con mắt rất lạ và đẹp. Mắt tròn đen nhánh, sáng ngời nhìn quanh quất như quyến rũ. Xung quanh mắt có viền màu xám bạc. Cái viền xanh xám, anh ánh như vẽ đã thành tên của loại chim này chăng?
Nguồn gốc: loại chim này ở từ phương Bắc mà lan tràn dần phía Nam. Các tỉnh miền Nam có loại họa mi “đất” vì màu lông nâu xỉn không mấy đẹp, hót thì âm khá vang ngắn. Chỉ có những con đặc biệt mới hay hót. Vì vậy mà họa mi chính thống được ưa chuộng hơn, tiếng hót thanh lại thường xuyên.
Chim Lạng Sơn có màu lông hung đỏ như màu đất đỏ ở vùng này.
Chim xứ Nghệ lông vàng sẫm, chân và mỏ đều vàng. Khi chọn nuôi người ta thường chọn loại chim lông đỏ, mỏ, chân vàng. Loại này tuy ở xa tận phương Bắc nhưng cũng mau thích nghi với hoàn cảnh khí hậu.
Chọn chim: Người ta yêu họa mi không vì màu áo sắc lông, mà vì tiếng hót. Muốn được chim có tiếng hót hay thì người sành chơi xem tướng chim có thể biết được chim thuộc loại nào.
Tướng ngũ trường: thân, đuôi, mỏ, chân và mi tất cả đều thon dài. Loại này có giọng hót thanh, trong, nhạc điệu hay nhưng hơi nhát.
Tướng ngũ đoản: các bộ phận trên đều ngắn hơn. Loại này dạn người hơn, tiếng hót to nhưng hơi chát, nhạc điệu hót dồn dập.
Ngoài ra còn 2 chi tiết đáng lưu ý là môi và mắt. Khoé môi chim nằm từ giữa mỏ ra đến mép rồi ngược ra phía trước. Môi càng mỏng, âm thanh càng trong và dội. Mắt hơi lồi hình hạt dưa, chứng tỏ chim khỏe, dù đang thay lông.
Thuần thục chim: Hầu hết họa mi đều rất nhát, chim bổi tức là chim bắt từ rừng về rất khó nuôi vì chúng luôn tung lồng, nên dễ sầy đầu, toét mỏ, dần dần đến tuyệt thực chết. Thuần thục chim rừng rất khó và công phu. Khi mới đem về phải dùng vải đen che kín lồng, để nơi yên tĩnh. Khi cho ăn cũng phải nhẹ nhàng. Chim thấy mặt người là tung cánh nhất là đối với những ai đội mũ trắng. Đây là kinh nghiệm của nghệ nhân chơi chim lâu năm. Sau một đến vài tháng mới hé vải che. Tập chim quen với tiếng động bên ngoài treo gần những chim thuần thục khác chủng loại. Không được treo gần những họa mi thuần hót hay. Chim bổi sợ và không dám hót nữa. Chỉ mở vải che khi chim đã dạn.
Lồng chim: nên dùng lồng tre không dùng lồng sắt vì chim thường tung lồng va chạm.
Chăm sóc: họa mi là loại dễ nuôi, chúng không đòi thức ăn đặc biệt – cám gà cũng tạm đủ dinh dưỡng. Khi chim đã dạn cho thêm thức ăn nhiều đạm như châu chấu, sâu, trứng kiến. Trong lồng phải luôn đủ nước sạch. Phải kiên nhẫn thương yêu chúng thì mới nuôi được. Thuần chim rừng rất khó thành công. Đừng thấy rẻ mà ham.
Tốt nhất là nuôi chim con nhưng tìm chim con không phải dễ. Vả lại bỏ công nuôi một chú chim non khi lớn lên là chim mái thật là hoài công. Tuy chim mái vẫn hót nhưng hót không nhiều và không hay
Cuối cùng là chọn mua chim thuần của các nghệ nhân, họ đã nhiều năm trong nghề, họ quen với cách nuôi dưỡng nhờ chăm sóc một lần được nhiều con nên công của họ cũng rẻ hơn.
Có nhiều người cũng nuôi chim nhưng cần kiên nhẫn si mê thương yêu mới được.
Tiếng hót họa mi: Người ta thường bảo họa mi là ca sĩ rừng xanh quả không ngoa.
Khi được kích thích nhất là khi gặp bạn tình vào những ngày xuân mát mẻ. Họa mi có thể hót suốt hai mươi hai giờ. Bản trường ca tình ái được phát liên tục cho đến khi nàng xiêu lòng!
Nếu có vài ba con họa mi được lựa chọn. Có con giọng thanh, có con giọng trầm mà thi hót thì chẳng khác nào một bản hòa tấu đủ các nhạc cụ. Có những giọng hót đổ dồn như dương cầm, có giọng trong ngân vang như vĩ cầm (violon) khi thì ríu rít vui tươi, khi thì nghẹn ngào buồn bã. Tôi đã được nghe một cuốn băng của các nhà điểu học. Tiếng chim như một bản hòa tấu nhịp điệu thôi thúc đến mê mẩn. Người sành điệu có thể phân biệt được đến 300 giọng họa mi, nhưng với chúng ta những người mới chơi, thì chỉ có ba giọng khác biệt. Đó là: hồi lượn, đổ dồn và ngắt quãng.
Giọng hồi: tiếng chim từ cao chuyển thấp dần nhỏ dần và ngưng. Nếu điệu hồi được liên tục từ cao đến thấp rồi trở lại một lần nữa là hay rồi! Có con hồi được đến ba hồi là lượn.
Đổ dồn: Tiếng chim giữ một cung bậc nốt cao, trải đều như tiếng rung cần (archet) của đàn violon.
Giọng ngắt quãng: gần như tiếng sanh phách, tiếng hót như nghẹn tức, đe dọa. Thảo nào nhà văn Shakespear đã viết về Roméo và Juliet trong đêm tình tự. “Đó là tiếng hót họa mi chứ không là sơn ca đã vọng vào đôi tai lo âu của mình”.
Franz Shubert đã viết bản “Bài ca của họa mi” nổi tiếng và đã được ban nhạc đồng thời hòa tấu. Bản tình ca ấy như một tiếng vang mà người yêu nhạc gọi là ấn tượng Shubert.
Với chúng ta, tiếng hót họa mi buổi sáng như gọi bạn tình, thôi thúc khiến chúng ta bừng tỉnh dù có lười, bạn cũng cảm thấy sảng khoái và thức dậy.
Thi chim họa mi: Gần đây phong trào chơi chim như được sống dậy, những cuộc thi được tổ chức luônở thành phố Hồ Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh lẻ. Thú chơi thật tao nhã. Người đông nghẹt như xem hát. Họ ngồi thanh thản trước ly cà phê chen chúc nhau xem đấu chim. Tiếng chim như thúc giục. Những lồng chim nhà nghề vừa chắc chắn vừa mỹ thuật được đưa đến tham dự. Những chú họa mi chuyền nhảy trong lồng. Bỗng dưng chú dừng lại, ngửa mặt lên, bịn đuôi vào cầu, xòe xòe quay quay đôi cánh, tiếng hót đổ dồn. Thế là cả sân chim đều cất tiếng. Theo thể lệ cuộc thi thì chim nào ngừng hót trong hai phút là bị loại – đem lồng ra ngoài – cho đến cuối cùng chỉ còn vài ba con. Đây là lúc gay cấn nhất. Họa mi từng trải sẽ tung những ngón đòn cuối cùng. Hót to, liên tục. Vừa hót vừa xòe cánh lắc lư thân mình như võ sĩ thượng đài như đe dọa đối thủ, con nào yếu bóng vía sợ im bặt.
Có vài trường hợp đã xảy ra đối với những chú họa mi non. Ở nhà thì nhảy múa, hót rất hăng nhưng khi lâm trận thì sợ không hót. Đem về nhà nỗi sợ sệt như kéo dài, câm lặng. Nó như vừa bị một trận đòn ghê gớm. Phải sau một thời gian dài mới hót lại được.
Thú đấu chim tao nhã là ở chỗ ấy, chúng không đấu đá nhau mà chỉ hót. Chỉ nghe tiếng hót thôi là có con đã xếp cánh, nép mình hàng phục. Thật khác với chú chơi gà chọi. Lúc nào cũng đẫm máu, sây xướt.
Thú chơi chim họa mi quả là tao nhã và đầy tính văn nghệ:
Họa mi sao hót đến nao lòng
Gọi bạn tình hay gọi mùa xuân?
Náo nức thế! Nên lời không dứt
Xô nát buồn! Sao giọng rưng rưng?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *