Đồng quê. mùa Sơn Ca làm tổ

Đồng quê. mùa Sơn Ca làm tổ

Hằng năm vào dịp cuối xuân đầu hạ là mùa chim Sơn ca làm tổ, vào dịp này có điều kiện về vùng đồng quê các bạn dễ dàng được thưởng thức tiếng hót chim sơn ca, hòa lẫn vào tiếng vi vu của gió trời, mùi hương của đồng nội, mùi thơm của lúa, của rơm của rạ, của cây cỏ là tiếng hót rả rích, đong đưa của bầy sơn ca đang độ mùa đôi lứa. Sơn ca từ lâu đời đã được coi là Chúa của các loài chim hót.

Nếu Họa Mi là ông vua của núi rừng thì Sơn Ca chính là vị Chúa của đồng quê ! Giong Sơn ca không to không lanh lảnh như giọng Họa mi nhưng tiếng hót của nó thì vang xa khắp cả cánh đồng luyến láy đủ các cung bậc từ thấp đến cao. Ai chưa một lần nghe giọng hót Sơn ca trong thiên nhiên hẳn không nghĩ rằng con chim nhỏ xíu có sắc lông xấu xí như chim sẻ kia lại có một giọng hót tuyệt trần đến như vậy. Bình thường ngoài thiên nhiên, trên cánh đồng chim rất ít hót, chúng chỉ khẹc khẹc vài tiếng dọa đuổi nhau, chỉ đến khi cất cánh thăng lên thì chim bắt đầu trổ giọng, càng lên cao giọng chim càng luyến láy vang xa, có những lúc chim ngân lên như chìm vào khoảng lặng vài giây rồi bất ngờ bật ra với những giai điệu làm bạn phải ngỡ ngàng thán phục.

Nhưng thôi, viết về giọng hót của sơn ca chắc tôi phải lan man tới vài trang, hôm nay tôi chỉ muốn hầu chuyện các bạn về mùa sơn ca làm tổ, và cái thú đi tìm kiếm tổ chim sơn ca vào những ngày này. Sơn ca sống ở khắp trên các cánh đồng , từ Bắc vào Nam cánh đồng nào cũng có sơn ca sinh sống, chúng sống thành từng bầy cho tới mùa sinh sản thì kết đôi, môi trường sống ưa chuộng nhất của loài này là những bãi cỏ cằn thưa rộng mọc lúp xúp với những loài cây khác, chúng có thể sống ở các ruộng lúa, ruộng khoai hay các bãi tha ma nhưng bao giờ cũng chọn những vùng đất cằn, cỏ dại, ít cây cối để làm tổ. Tổ của chúng làm ngay trên sát mặt đất, rất đơn giản và sơ sài nhưng chúng ngụy trang rất khéo bằng những cây cỏ khô giống với màu sắc xung quanh. Bạn có thể tìm hoài suốt một buổi sáng mới thấy được một tổ của chúng, khi thấy rồi bạn sẽ tự nghĩ: đơn giản vậy mà tìm mãi không ra? Nhưng chỉ cần đi vài chục mét, quay lại có khi bạn lại phải mất cả tiêng đồng hồ để tìm lại được cái tổ cũ vừa xong! Tổ Sơn ca k làm trên những nẻo ruộng cao, cũng k làm trên những nẻo thấp, chúng nằm bình bình ở những chỗ bất ngờ nhất mà bạn k nghĩ rằng chúng lại làm ở đó! Trên cánh đồng vào mùa này không những có tổ sơn ca mà còn có nhiều tổ của các loài chim khác, vì thời điểm này chính là thời kỳ sinh sản của hầu hết các loại chim như Nhã ca, Cút đồng, Chích bông…v..v..

Có một số tổ mà nếu thiếu kinh nghiệm các bạn sẽ rất hay nhầm với tổ sơn ca, đó là tổ chim Nhã ca. Nhã ca có hình dáng, màu sắc tương tự như sơn ca nên rất dễ nhầm lẫn, quan sát kỹ Nhã ca người dài hơn, cao hơn sơn ca, không dạn người bằng sơn ca. Trong khi sơn ca có động tác bay thăng- tức tự bốc lên như máy bay trực thăng hoặc bay chấp chới thì Nhã ca chỉ có một động tác là bay ngang một mạch không chấp chới như sơn ca. Trứng của Nhã ca chỉ có màu trắng đục mà không có chấm đen. Tổ của Nhã ca cũng tương tự như sơn ca, làm ngay sát mặt đất nhưng tổ Nhã ca dày hơn còn tổ sơn ca thì mỏng hơn, ngoài ra tổ Nhã ca thường có thêm một mái nhỏ, ngắn phía trước, giống như cái lưỡi trai của nón bảo hiểm, còn tổ sơn ca thì không- phía trên trống trơn.

Chim sơn ca thường đẻ từ hai đến năm trứng, trứng của chúng có những vết chấm đen trên nền trắng đục, ấp già ngày thì trứng càng đen. Khi phát hiện ra tổ chim sơn ca, dù có trứng, có con hay không thì tuyệt đối ta đừng động tay vào, chỉ quan sát bằng mắt hay chụp hình, còn nếu trường hợp bắt buộc vì lý do gì đó mà phải động tay vào hay đơn giản chỉ vì quá tò mò không thể cưỡng lại được để biết xem cảm giác sờ vào quả trứng của loài Chúa chim hót này như thế nào thì các bạn hãy làm như sau: Tìm một miếng phân bò khô (thứ vật chất rất dễ kiếm trên đồng ruộng) chà xát vào lòng bàn tay rồi hãy động vào tổ của chúng, vì sơn ca rất nhạy cảm với hơi người, nếu trứng mới đẻ hay tổ chưa có trứng thì chúng sẽ bỏ tổ, bỏ trứng ngay trừ trường hợp đã có chim con thì chúng k thể bỏ được mà thôi.

Lại nói về chim con, để phân biệt với các loài chim khác thì sơn ca con khi mới đẻ há miệng đòi ăn các bạn sẽ thấy trong cuống lưỡi của chúng có ba chấm màu đen rất nhỏ xếp theo hình tam giác giống hệt như hạt mè đen, đây là loài chim duy nhất có chiếc lưỡi y như lưỡi rắn, phía cuối ngọn lưỡi chẻ đôi thành hai mảnh. Người ta nói rằng với đặc điểm này nên chim Sơn ca mới có thể hót hay và hót liên tục hàng giờ được vì cấu tạo đặc biệt của lưỡi giúp cho chim khi hà ra hay hít vào đều tạo nên được những âm thanh trong trẻo ngọt ngào, vậy nên chim không cần nghỉ mà có thể hót liền mạch cả tiếng đồng hồ, còn các loài chim khác âm thanh chỉ cất lên khi chúng đẩy hơi ra. Cái này thì dành cho các nhà sinh vật học bàn luận, riêng tôi qua nhiều năm chơi chim thì cho rằng sở dĩ loài này hót hay là vì nó biết lắng nghe ! Nói thêm về lưỡi thì loài chim có chiếc lưỡi giống lưỡi Người nhất chính là loài Vẹt, lưỡi của loài Vẹt y tróc như lưỡi người, không biết có phải vì vậy mà loài Vẹt bắt chước tiếng người giỏi nhất không. Trong khi chim Nhồng (yểng) có giọng nói khàn khàn ồm ồm như người hút thuốc lào với chiếc lưỡi cứng nhọn thì Vẹt có chiếc lưỡi đầy đặn mềm mại, giọng trong trẻo dễ thương như phụ nữ…

“…Ngoài Nhã ca, tổ của cút đồng cũng hay dễ nhầm với tổ sơn ca, tổ cút đồng hình dáng cũng tương tự nhưng to hơn chừng một bảy một mười, tổ cút đồng thường làm chỗ rậm hơn còn Sơn ca thì làm nơi trống hơn.

Tổ chích bông thì ít nhầm hơn, nhưng sở dĩ nhắc tới là vì tổ chích bông rất đẹp và công phu mà rất hay bắt gặp trong khi tìm tổ sơn ca, tổ chích bông làm từ những sợi tơ mỏng màu trắng mà k biết chúng lấy từ đâu ra, có hình dáng dài như quả mướp con, chúng chụm những cây cỏ cao lại làm bộ khung rồi kết thành tổ treo là là trên mặt đất, phải nhìn sâu vào trong mới biết có trứng hay không. Tổ của chúng rất đẹp và kỳ công gồm toàn tơ và hoa cỏ.

Một nghiên cứu từ nước ngoài cho rằng những con sơn ca sinh vào dịp cuối xuân thường có giọng hót hay hơn so với những con muộn hơn vào mùa hạ, ngay cả trong cùng một tổ những con nở trước cũng có nhiều khả năng cho giọng cao hơn, không biết chính xác không nhưng điều này cũng phù hợp ở VN, các tay chơi sơn ca thường tìm bắt chim con vào đầu mùa thì sẽ hay hơn..
Nhân đây cũng nói luôn về đặc điểm sinh sống của chim ngoài thiên nhiên là các bãi đất trống, vì chim chủ yếu sống ở dưới mặt đất nên các bãi đất trống là nơi an toàn nhất vì chúng có thể quan sát được xung quanh mà k bị cây cối che khuất, chính vì vậy sau này khi thuần hóa chim các bạn nên treo lồng ở độ cao vừa phải, tầm ngang ngực là đủ, vừa không bị trẻ con và các con vật khác như chó mèo dưới mặt đất đe dọa, vừa đủ tầm quan sát của chim, sai lầm của chúng ta là thường hay treo cao hẳn lên, tưởng là cho chim chóng dạn nhưng ngược lại lên càng cao thì diện tích khuất tầm bởi đáy lồng lại càng lớn nên chim rất dễ bị giật mình. Cái tật hay giật mình của Sơn ca do bị che khuất tầm nhìn làm cho chim rất lâu dạn, (các bạn để ý trên lồng chim sơn ca thường phía dưới có 2-3 lỗ tròn ngay trên mép vành, đấy là những chiếc lỗ cho chim thò đầu ra ngoài nhìn xung quanh cho khỏi nhát) nếu k biết cách treo lồng một con chim bổi có thể sau 3 năm cũng chỉ hót lý nhí mà thôi..Vào dịp này, thứ bảy Chủ nhật về đồng quê tìm tới các bãi Sơn ca vừa tìm tổ vừa ngắm Sơn ca thăng thì thật tuyệt diệu, chúng có thể bay lên vượt qua những đám mây đến khi nhìn chỉ còn là một chấm nhỏ rồi mất hút thế mà giọng của chúng vẫn còn nghe rõ ngân lên trong gió, từng điệu từng nhịp được nhả ra thong thả chậm rãi như bản chất của những đồng quê…”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *