Chia sẻ kinh nghiệm về Họa Mi của chú Lâm Kiệt

Chia sẻ kinh nghiệm về Họa Mi của chú Lâm Kiệt

Chào ace ( anh chị em)! Mình là một ông già chơi chim! Do bận việc nên mấy năm qua ít vào diễn đàn, nay mới có điều kiện vào lại. Chúc họ hàng nhà chim chúng ta sang năm mới thu nhiều thắng lợi, vui vẻ và hạnh phúc.
Trong thời gian vừa qua có nhiều ace mới chơi họa mi gọi điện đến hỏi mình về ký thuật chọn và nuôi chim họa mi. Câu hỏi của ace tập trung vào mấy vấn đề sau:
1- Chọn chim trống, mái
2- Cách làm thức ăn cho mi chiến, mi hót và mi non
3- Công thức chế biến khoáng chất cho chim
4- Cách thuần hóa chim mộc
5- Cách chữa một vài bệnh mà chim họa mi thường mắc nhất.
6- Lồng nhốt, lồng tập và cầu đứng
Ngoài ra còn một số vấn đề khác nữa…
Thưa ace!
Thực ra nhưng vấn đề ace thắc mắc, mình đã có nhiều bài viết trên topic CÔ BÉ BÁN DIÊM Của diễn đàn THẾ GIỚI SINH VẬT CẢNH từ cuối năm 2009 đến giữa năm 2010. Gần đây cũng thấy nhiều ace có những bài viết rất hay về những vấn đề đó. Các bài viết được đăng tản mạn trên các topic. Để giúp ace mới chơi hệ thống được những kiến thức sơ giản nhất, mình xin phép BQT diễn đàn và tất cả ace được một lần nữa trình bày lại những vấn đề mà ace mới chơi còn chưa nắm được. Xin nhắc lại là mình chỉ dám nói với những ace mới chơi thôi nhé, còn những ace đã chơi lâu chắc là đã có nhiều kiến thức rất hay rồi, xin bỏ quá cho mình.
Bài 1- HỌA MI TRỐNG MÁI VÀ CÁCH MUA CHIM. 
– Mi trống mái: Có một số người nói họa mi trống râu mọc xuôi theo mỏ, họa mi mái râu mọc ngang nhưng mình nghiệm thấy độ chính xác của thông tin này rất thấp. Mỗi bên mép của một con họa mi trống có khoảng 9 đến 15 sợi râu (đấy là nói bộ râu nguyên vẹn của nó, còn khi chiến đấu xong bị rụng bớt thì ít hơn), trong đó có sợi ngắn, sợi dài, sợi mọc ngang, sợi mọc xiên góc từ 30 đến 45 hoặc 60 độ, thậm chí có sợi mọc ngược hẳn về phía sau. Người ta cũng vậy thôi, có người râu rậm, có người râu thưa, có người râu quăn, râu xồm, râu quai nón, râu ba chòm, râu dê, râu chuột, râu vểnh, râu quặp… Họa mi mái râu mọc cũng tơi bời lắm vì thế dựa vào râu để đoán trống mái là rất dễ nhầm. Vả lại khi chúng ta là người mới chơi, tiếp xúc với họa mi còn ít, việc quan sát đầu, mình, mắt, mỏ, chân…còn rất khó nói chi quan sát râu. Ông bán chim cũng không dễ sẵn lòng bắt con chim cầm trên tay để ta ngắm râu cuả nó. Có người lại nói rằng dựa vào vệt đen ở cạnh mỏ chim để đoán trống mái nhưng vết đen này với vệt vàng rất hay lẫn nhau khó mà phân biệt chính xác được ngay cả với người sành sỏi chứ chưa nói người mới chơi. )
Vì thế có thể nói không thể nhìn hình dáng mà đoán biết được giới tính của chim họa mi. Người Trung Quốc có câu: “ Họa mi bất khiếu thần tiên bất chi đạo “, nghĩa là Chim họa mi không hót thì thần tiên cũng không thể phân biệt được trống hay mái. Cách tốt nhất là chúng ta khi đi mua chim hãy bảo người bán chim thổi còi xùy, hoặc mở điện thoại xùy. Con nào hót là con trống rồi. Đó là mi trưởng thành. Đối với mi non càng khó phân biệt, thôi thì hên xui, cứ con nào nhanh nhẹn thì bắt và chờ 6 tháng sau nếu nó hót ắt đúng là chim trống. 
– Cách mua chim: Các bậc tiền nhân dạy:”Đi một lần chớ vội mua chim”, nghĩa là mua chim không được vội vàng, có thể phải đến ngắm con chim hai ba lần rồi mới mua để tránh việc mua phải chim có tật có lỗi như soi gương, ngoái cổ, lộn cầu…
Tất nhiên nhiều người ở xa nơi bán chim nên không thể có thời gian đi lại nhiều như vậy, hãy bảo người bán chim để riêng con chim mình ưng ý ra một chỗ rồi quan sát trong khoảng 1 giờ, lâu hơn càng tốt xem chim có bị tật, lỗi hay không. Nếu phát hiện chim bị soi gương, ngoái, lộn chớ nên mua vì bệnh này hiện nay chưa có cách chữa hữu hiệu.
Chúc ace tìm được con chim ưng ý của mình.
Hôm sau mình sẽ nói về cách làm thức ăn cho mi chiến, mi hót và mi non.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *