Phương pháp huấn luyện bổi con thành mồi

Phương pháp huấn luyện bổi con thành mồi

Nhiều nghệ nhân nói nuôi chim cu mà nuôi chim con thì …chỉ để gáy gù cho vui tai thôi. Những ông lão bao nhiêu năm lăn lộn chốn giang hồ, nơi rừng sâu núi thẳm …chỉ mong sao có được vài em bổi rất hay, rất dữ mang về nuôi …chứ không ai đi bắt chim con về nuôi cả … nay tuổi đã xế chiều không còn đủ sức đi rừng nữa thì ngồi ở nhà nghe cu gáy, mà phải là cu khách gáy nghe mới đã .. thúc, gù lia lịa … khách vào thì chào liên tục.
– Có những nghệ nhân đi mòn đường, chết cỏ mà bắt không được con bổi hay đem về nuôi, không bắt được con bổi cha mà lại dính con của nó mới tức chứ … vẫn biết nuôi chỉ uổng công thôi nhưng định thả thì thả không đành, rồi mình lại tự an ủi mình: “con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh” ….cứ đem về xem sao …
– Có người lại đi bắt cả ổ đem về nuôi chỉ mong sao cha là con bổi sát thủ thì con cũng ….nhưng thời gian vẫn trôi đưa con chim non ngày nào nay đã trưởng thành giống y như một anh mồi sát thủ … nhưng nó chỉ là con “sát thủ trong nhà thôi” thế mới tức …
– Có người lại nói nó ở nhà gáy gù như điện, nhưng khi đem ra đồng thì im thin thít … đúng là cái đồ khôn nhà dại chợ.
– Có người lại nói đem nó ra rừng khoái chí nó gáy gù vang trời vang đất nhưng khi bổi đến nó lại xem như bạn, nó gáy mặc nó, bổi gáy mặc bổi … vì nó là con chim con mà, nó đâu biết dụ bổi ….
Sau này đi nhiều nơi, học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong đó có nghệ thuật huấn luyện cu bổi con thành mồi …nay viết lại để anh em cùng tham khảo.
1. Chim con được nuôi đầy đủ thức ăn và nước uống, không có sự đấu tranh để sinh tồn.
2. Sống cách xa bầy đàn nên không phân định được lãnh địa riêng, không biết đấu đá tranh giành, va chạm thực tế ít, chưa từng trãi …
3. Không có chim bố mẹ chỉ bảo, dậy giỗ gáy như thế nào, gù ra làm sao, tư thế gù cao đầu hay thấp đầu …nó đâu có biết đâu.
4. Nó sống trong môi trường gia đình nên nó đâu biết dụ dỗ ai …chỉ biết gáy gù cho vui thôi chứ nó đâu hiểu ý nghĩa (y như người nước ngoài học tiếng Việt vậy, nói được nhưng họ đâu có hiểu hết ý nghĩa ngôn từ, câu cú là vậy).
Trên đây là những điều ta cần biết và đây là cách huấn luyện: 
– Con bổi con vừa bắt đầu nổi ta dời chổ nó liên tục, nay ở cây này, mai cây khác.
– Khi nó căng lửa gặp người nó sẽ gù ngay, ta trị ngay cái tật ấy bằng cách ngụm một ngụm nước đi thẳng đến nó vừa chuẩn bị gù là ta phun thẳng nước vào mặt nó, làm vài lần thì sửa được ngay (à các bạn đừng đem con bổi gù người đã nhiều năm ra phun nước nghen, không tác dụng đâu vì nó đã trở thành thói quen rồi).
– Cho gù với bổi chứ đừng cho nó gù với mồi già nghen, nó sẽ bị bể đó. 
– Cho nó vào một cái chuồng thật rộng ở khoảng 3-4 ngày ta thả một con bổi cùng trang lứa với nó, cho đá lộn, ngày đầu đá ít thôi, sau đó tăng dần rồi đổi con bổi khác.
– Đem nó ra rừng treo cạnh con mồi già, nghe con mồi già dụ bổi, coi con bổi phất ngang con mồi gáy gù ra sao, đem nó về, mỗi ngày một ít, một ít ,mưa dầm thấm dai.
– Sau đó ta mang nó đi một mình, nếu bổi phất ngang mà nó gù phóng mấy đạc coi như ta đã thành công một phần rồi, muốn thành công hơn là phải nhờ đến tài nghệ của nó.

Huấn luyện bổi già thành mồi theo phong cách hiện đại

***

Đây là phương pháp huấn luyện một con mồi cây tuyệt vời nhất mà tôi được biết vì bạn chỉ tốn có một khoảng thời gian rất ngắn một tháng hoặc hai tháng là bạn có thể sở hữu trong tay một con mồi rồi, nó vẫn còn tung bành bạch, lông thì rụng tơi tả, ở nhà không gáy một tiếng, thấy người lạ thì tung bay lông búa xua, ai cũng cho là chim bổi, có nhìn tướng cũng không dám đoán nó hay – dở ra sao vì lông cườm lông quy rụng gần hết vậy mà khi ra đồng lại gáy gù như điện, thế có lạ không! Cách nầy hay đây nhưng tôi chưa thử nghiệm được vì không có đủ thời gian và sự kiên nhẫn để mà tập luyện, nếu bạn là người nhàn rỗi hảy thử xem sao nhé!
Người xưa có câu: Nhất lý – nhì lì, chủ nhân của những chú chim tung bành bạch tâm sự với tôi rằng: tuy gặp em lần đầu nhưng anh cảm thấy rất mến em cho nên anh mới đem cái điều tâm huyết của mình kể cho em nghe “lúc trước anh là người chơi chim chào mào anh lựa con nào, chọn con nào, bán cho ai sau này đều nổi tiếng cả sau này anh chuyển sang chơi chim cu vì thấy nó hay và đả hơn nên không còn nuôi chào mào nữa. Lúc đầu vì không có tiền mua mồi nên anh xin một con bổi hay của ông bạn đi bẫy ở rừng đem về nuôi và anh đã huấn luyện nó theo cái câu “nhất lý -nhì lì” không ngờ anh đã thành công, sự thật đã mỉm cười với anh …” theo thâm tâm mình nghĩ thì anh còn thành công hơn nữa vì anh có một trái tim nhân hậu, cái tâm, cái đạo của một người đam mê tiếng cù cú cu cu cần phải có. Tại sao anh lại huấn luyện nó theo phương pháp: Nhất lý -nhì lì?
thứ nhất là cái lý: Cái đạo lý sống ở đời, cái lý mà không một ai dám phản bác, nó bất di bất dịch, ví dụ: Một con mồi hay thì ai cũng công nhận nó hay vì nó gáy gù hay quá, nghe đã quá, bắt bổi nhanh quá, đấu với con mồi nào hay con bổi nào nó cũng dành phần thắng… đó là cái lý lẻ nói về một con chim hay.
thứ hai là lì: dù là con bổi mới bắt về rất hay ngoài rừng nhưng ta phải xem qua tướng tá mới chọn nuôi vì chỉ có tướng của con mồi sau này mới thành con mồi mà thôi, người chủ huấn luyện phải thật lì và con bổi cũng thật lì, nghe qua cũng buồn cười thật nhưng vẫn thành công và đây là các giai đoạn huấn luyện: Mình nói trước bạn phải thật sự là người nhàn rỗi và kiên nhẫn nghen! 
– Giai đoạn một: Ngày nào ta cũng mang cu bổi đi ra đồng hay đi rừng nhớ là đi bộ thôi nghen, khi ta đi rẫy, đi ruộng ta đều mang nó theo, máng nó lên một cây nào đó sao cho nó nghe bổi gáy, thấy bổi bay qua, bay lại …. ta chỉ treo nó một chổ nhớ nghen, ngày đầu ngày thứ hai nó sẽ gáy một hoặc hai tiếng nhưng nhỏ thôi, khi nào ta nghe nó gáy lớn tiếng ta lập tức sang lụp ngay nó tung, nó giẫy, rụng lông kệ nó. Ta đem nó treo ngay cái cội của con bổi trận nhất, dữ nhất (nên nhớ ta ngụy trang lá thật kỹ để con bổi trận không thể đá được con bổi của mình), ngày nào cũng vậy sáng đến trưa ta mang nó về, chiều ta đi tiếp cũng treo đúng một chổ, khi nào nó dám đấu với con bổi, dám gù với con bổi trận ấy là nó đã nổi rồi (ở đây nó chỉ dám gáy gù ở ngoài đồng thôi chứ mang về nhà thì im như thóc và còn tung nữa chứ), khi nào mà nó bắt được con bổi ấy là coi như bạn đã thành công hơn một nữa rồi, đây là chiêu lì đó nghen! 
– Giai đoạn hai: ta mang nó sang con bổi trận khác, có giọng gáy khác cũng cho đấu liên tục đến khi nào bắt được con bổi đó thì mang sang con gáy giọng khác nữa, ta để ý xem nó có sợ giọng gáy nào hay không? thường thì có con sợ giọng sấm đồng, có con sợ giọng sấm thổ … sợ giọng nào ta cứ mang nó đấu với con gáy giọng đó, nếu nó bể luôn coi như ta thất bại còn nếu nó hết sợ, bắt được con đó thì sau nầy nó sẽ trở thành một con mồi thiện chiến.
– Giai đoạn ba: huấn luyện đi xe và đi xa (xem bài “kỹ thuật huấn luyện mồi cây”)
Thuở đời nay con mồi mà gặp người lạ cứ tung bành bạch mới lạ chứ, mặc dù đã bắt gần 40 con bổi mà vẫn chưa thay lông rừng khi mình đến nhà thì cho nó là bổi đó bạn … lầm một cái quá to. Chúc các bạn, những ai có lòng trì chí kiên tâm sẽ thành công như ông anh mà tình cờ mình quen được.

Kinh nghiệm tập mồi dự phòng

***

Việc luyện tập chim mồi kể ra cũng rất tốn công, với người thiếu kinh nghiệm thì lại càng khó khăn hơn. Trong nghề chơi, mấy ai có duyên may mà nuôi con chim đầu tiên đã là chim mồi rồi. Một số người mới chơi tìm cách đi tắt đón đầu mua lại chim mồi của người khác nhưng nếu thiếu kinh nghiệm hoặc không gặp người chơi tận tình giúp đỡ cũng có thể gặp phải những con mồi không hay, để phòng bất trắc, ngay cả những người đã có chim mồi hay rồi thì cũng không ai ngại việc nuôi thêm mồi dự phòng … vì vậy việc tập mồi để chơi là một việc không thể không làm của người chơi chim gáy mồi.
Việc chọn, nuôi, luyện tập chim mồi trong diễn đàn đã có rất nhiều ý kiếm trao đổi kinh nghiệm, hôm nay mình chỉ muốn đề cập thêm một vấn đề mà mình thấy trong thực tiễn diễn ra như sau:
Chim gáy có tính độc tôn rất cao, khi trong nhà đã có một con mồi hay rồi thì những chú chim bổi, chim mồi lỡ và có thể cả mồi thuần cũng hay nhường chú mồi hay về giọng gáy mà các chú chỉ gáy ở ba thời điểm trong ngày: sáng, trưa, chiều mà thôi.
Vậy thì giải pháp nào cho việc luyện thêm chim gáy mồi khi trong nhà đã có mồi cứng?!
Thưa các bác! qua thực tế thì mình thấy như sau: cứ nuôi các chú khác bình thường bên cạnh chim mồi nhưng chăm sóc cho thật tốt, thời gian đầu chúng sẽ im như thóc, nhưng sau này chúng sẽ bắt đầu gáy trộm,… có thể là một năm hoặc hai năm sau, vào mùa bẫy các bác tranh thủ mang nó ra rừng cũng với mồi nhưng nhớ là treo mồi rất xa nó, chim rừng gáy, chim mồi gáy và có thể nó không gáy nhưng không sao cả, kệ nó.
Vài ba hôm đầu có thể nó còn giãy giụa nhiều,… nhưng nó sẽ tiến bộ lên tuỳ theo thời gian được mang ra rừng luyện tập nhiều hay ít. Đến khoảng dăm hôm được mang ra rừng, nó sẽ bắt đầu gáy gọi vài tiếng là ta đã thành công bước đầu rồi đấy, có thể chim rừng nghe nó gáy sẽ đến doạ, cũng chẳng sao cả (tất nhiên nếu ta có điều kiện đuổi chim rừng đi thì tốt hơn), thời gian sau thấy bóng chim rừng nó sẽ biết thúc ( gáy trận), thậm chí có con đã gù,…
Vâng! chỉ cần có thời gian mang chim bổi ra rừng tập mươi hôm như vậy thì các bác sẽ thấy nó nổi nhanh đáng kể, tuy nhiên khi về nhà thì nó vẫn cứ nhường con mồi già thậm chí có con cả ngày chẳng thèm lên tiếng, nhưng không sao vì nuôi chim mồi là để chúng thể hiện việc gáy, gù và bắt bổi ở ngoài rừng, ở nhà ta chỉ cần một vài con gáy thôi là cũng tạm được rồi!
Với cách làm trên, trong mùa bẫy năm nay, mình đã tập được thêm được ba con bổi nữa nổi thành mồi lỡ, trong đó có 2 con đã được chính thức gọi là mồi (vì một con đã bắt được 3, còn con kia đã bắt được một con bổi). Cũng cần phải nói thêm rằng, những con mồi mới nổi này, tạm thời ở nhà nó sẽ nhường con mồi già và hay nhất nhưng theo thời gian, mức độ tiến bộ của chúng sẽ thu hẹp khoảng cách với con mồi già và đến lúc đó thì ngay ở nhà nó cũng sẽ chơi hay ngang ngửa với mồi già cho mà xem!
Cũng là một cách tập thể thao và lại được hòa nhập với thiên nhiên, việc tập mồi không cốt bắt được chim rừng mà lợi dụng tiếng chim rừng để tập cho chim nhà hay lên và đặc biệt giúp ta hứng khởi trước những chú chim bổi vốn trước đây rất hay trong rừng đang được chính tay ta chăm sóc nuôi dưỡng, để những tiếng chu, lèo, dặm, vấp, gù chống đấu,… của chúng sẽ được tái hiện lại trong tương lai gần như chính bản thân chúng đã từng có.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *