Chút kinh nghiệm nho nhỏ khi nuôi cu gáy đẻ

Chút kinh nghiệm nho nhỏ khi nuôi cu gáy đẻ

Sau khi ghép đẻ thành công cặp cu gáy (đến lúc này đã được 6 lứa), có chút kinh nghiệm nho nhỏ chia sẻ cùng các bác
[​IMG]
I – Chuẩn bị chim bố mẹ (trường hợp bố mẹ không cùng đôi):
+ Chim mái (phải thuần các bác nhé – tương đối cũng ổn rồi): Nuôi lồng nhỏ bình thường, chăm sóc kỹ một chút (cho ăn thêm cát sỏi để giúp chim có bộ xương cứng chắc, đến tuổi trưởng thành sẽ hình thành vỏ trứng tốt hơn). Trong quá trình nuôi nên luyện cho nó thật gần gũi với người chăm sóc nó (ví dụ: cho nó ăn bằng cách cầm thức ăn trên tay để nó ăn). Chăm tốt rồi đến lúc nó sẽ đẻ trứng (chưa ghép trống đâu các bác nhé)

+ Chim trống (cũng phải tương đối thuần nhé): Cũng nuôi và chăm sóc thật tốt trong lồng nuôi thông thường.
Nuôi đến lúc nó thật căng và thuần thì mới nên tính đến việc ghép đôi.

II – Tiến hành cho trống mái làm quen với nhau
Khi mái đã biết đẻ (có thể sau 2, 3 lứa đẻ), thì tính đến việc cho chúng làm quen với nhau.
Chờ khi cả trống và mái đều căng (cả 2 đều gáy, gù nhiều) thì đem 2 lồng kè sát nhau, kè một lúc thôi nhé, sau đó tách nhau và treo xa nhau 1 chút (cứ làm vậy hàng ngày sau 1 tuần hoặc tùy theo khi thấy chúng quấn quýt nhau là ổn đấy – nhưng đừng thả vào với nhau vội)

III – Tiến hành ghép trống mái (sống thử):
Sau thời gian làm quen trên thì bắt đầu cho ghép đôi trong lồng nhỏ: chờ thời điểm chim không căng lắm thì lùa chúng vào 1 lồng nuôi (của 1 trong 2 con ban đầu), tránh làm chúng hoảng, phải theo dõi để tránh trống đánh mái. Mục đích ghép lúc không căng để đề phòng trống đòi đạp mái ngay, mái chưa chịu dẫn đến trống sẽ đánh mái (nếu thấy đánh ác quá thì nên tách nhau ra, còn không thì theo dõi tiếp chắc sẽ ổn)
Nếu thấy chúng sống hòa thuận thì bắt tay vào công việc chăm thật tốt để chuẩn bị cho chúng về tổ ấm mới (ở phần IV)
Cùng với công việc trên là chuẩn bị chuồng nuôi đẻ (mục IV bên dưới)

IV – Chuẩn bị chuồng ghép đẻ (chuẩn bị đồng thời trong thời gian chúng nó sống thử)
(mình dùng chuồng xây chứ không phải ghép lồng nhé – bác nào dùng chuồng ghép thì cho thêm ý kiến)
Chuồng làm kín đáo chút (mình xây gạch kín 3 phía, phía cửa chuồng cũng gần kín – chỉ để 1 ô làm cửa). Cũng lưu ý tạo cửa nơi có hướng mặt trời chiếu vào (sáng, trưa, chiều đều được).
Tạo một ít cành đậu bằng cây khô (đừng trồng cây làm gì cả, cây không sống nổi đâu – trừ trường hợp chuồng thật to).
Nếu là nền đất thì phải có phương án chống chuột đào hang vào phá chim, còn nền gạch thì nhớ rải ít cát xây nhà (cho chim nhặt ăn, và rất thuận lợi khi dọn chuồng)
Chuẩn bị luôn ổ đẻ cho nó (làm bằng rổ nhựa, buộc thật chắc chắn trên cành cây – buộc sao cho khi đứng ngoài thò tay qua lỗ nhỏ ở cửa có thể vệ sinh tổ và sau này dễ bắt chim non)
Đồ chứa thức ăn và nước uống nên làm to chút để nó có thể ăn uống trong vài ngày (mình tận dụng 2 chai dầu gội đầu chế đi 1 chút là ngon, đặt nằm trên mặt nền chuồng)

V – Thả vào chuồng đẻ
Sau thời gian cho chúng nó sống thử và thấy hợp nhau thì cho chúng vào chuồng đẻ (sau khoảng 5 – 7 ngày), cho ăn uống bình thường và cho thêm chút cám gà con để bổ sung thêm tý chất (nhớ là nền chuồng đã được rải lớp cát mỏng rồi đấy).
Một số anh em thì vứt cỏ, rác ở nền để nó tự tha lên lót ổ, nhưng mình thì lấy rơm và tạo ổ sẵn cho nó, nếu nó không thích thì nó sẽ tự làm lại sau.

VI – Chăm sóc chim bố mẹ trước đẻ
+ Khi trống mái chịu ở với nhau là bước đầu thành công. Tiếp theo cứ cho ăn uống thật bình thường (mình chỉ toàn thóc thôi) hoặc cho cám gà con.
+ Khi thấy chúng gáy gù nhiều là chúng sắp đẻ đấy, tránh nhòm ngó nhiều – đặc biệt người lạ, trẻ nhỏ nô đùa gần đó.
+ Thường chúng đẻ 2 quả trong 3 ngày sau đó sẽ ấp (đa số mọi người đều bỏ trứng lứa đầu – con so, nhưng theo mình cứ để nó ấp để tạo thói quen), sau khi đẻ xong 2 trứng thì cắt hẳn cám, chỉ cho ăn thóc thôi (vì cứ cho ăn cám thì nó dễ đẻ thêm trứng sau vài ngày ấp đó)

VII – Chăm chim bố mẹ trong thời kì ủ trứng – Thời gian trứng nở:
Giai đoạn này không có gì đặc biệt về chăm sóc, chỉ cho ăn thóc (lúa) là ổn, thường thì trống mái thay nhau ấp, khoảng 12-14 ngày là nở (nhà mình đúng 12 ngày)

VIII – Chăm chim bố mẹ trong thời kỳ nuôi con:
Sau khi thấy chim non nở thì thay thức ăn hoàn toàn bằng cám ( mình dùng cám gà con), lưu ý: chỉ đổ cám ăn tối đa 2 ngày để tránh cám mốc sẽ hỏng chim. Nếu để chim bố mẹ nuôi hoàn toàn đến lúc nó biết tự mổ ăn thì sau khi nở 1 tuần thì bổ sung gạo, thóc vào thành phần thức ăn để chim non có phản xạ tiêu hóa thức ăn cứng, còn nếu muốn chim non dạn người thì bắt ra nuôi bộ sau khi chim bố mẹ nuôi được 7-10 ngày (tùy theo tình trạng chim non – cứ thấy bung hết lông ống là tách được)

IX – Chăm sóc chim non nuôi bộ: 
Chim non sau khi tách ở VIII được đưa sang 1 hộp nhỏ lót bông, rơm (mình dùng rơm) trên đó lót miếng vải hoặc tờ giấy (để dễ vệ sinh và tránh chân chim quặp vào nữa)
Dùng cám gà nhào nước – sao cho dễ vê thành viên, về bằng hạt lạc mỗi con 10 viên
Dùng tay bóp nhẹ mỏ để miệng nó mở ra, nhẹ nhàng đút viên cám – nhét sâu chút để nó nuốt, sau 2, 3 miếng thì nhỏ cho nó vài giọt nước, cứ thế đến hết khẩu phần (việc làm này lúc đầu sẽ lạ và hơi khó – vài lần sẽ quen)
Sau một thời gian thì chuyển chim non qua lồng (khi thấy nó đứng dậy và trèo ra khỏi hộp) đề phòng nó bay ra, tiếp tục đút đến lúc thấy nó muốn nhặt hạt cám rơi vãi thì cho cái đĩa nhỏ đựng cám khi đút để nó tập mổ
Lưu ý: anh em có thể cho chim non ăn theo nhiều cách khác nhau – tham khảo trên CCV cũng có, bản thân mình dùng cách trên
Mỗi ngày cho ăn 3 lần: sáng – trưa – tối, bận thì 2, rỗi thì hơn (cu gáy không đòi ăn như loài khác đâu nhé, các bác cứ căn thời gian mà cho ăn thôi)

X – Chăm chim non biết tự ăn:
Sau khi đã tập mổ thì cứ để nó tự ăn, đói lúc nào ăn lúc đó, nhớ để thêm cóng nước, lượng cám cho ít một kẻo mốc nhé
Sau khi tự ăn cám được 1 tuần thì trộn thêm gạo ( mình dùng tấm cho chim dễ nuốt), sau nửa tháng đến 20 ngày thì tập cho ăn thóc, thời gian đầu nên cho ăn thóc ngâm, khi ăn thuần thục thì không phải ngâm nữa. Nhớ phải tập cho ăn thóc (càng sớm càng tốt – vừa sạch vừa nhàn), nếu không nó sẽ không ăn thóc thì mệt đó. Thời gian này nên có 1 cóng đựng cát để nó tự ăn.
Sau thời gian này các bác muốn cho ăn thêm gì tùy ý: kê, vừng (mè), . . .

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *