Tổng quan cách nhìn nhận và kinh nghiệm chọn chim chào mào

Tổng quan cách nhìn nhận và kinh nghiệm chọn chim chào mào

Kính thưa toàn thể anh em, lời đầu tiên mình gửi đến anh em lời chúc sức khỏe và thành công. Sau khi tham khảo ý kiến nhiều anh em, hôm nay mình xin được đưa ra bài viết về kinh nghiệm chọn chim chào mào. Nên chọn chào mào miền hay chào bắc? chim bổi hay chim thuộc? má trắng hay già rừng? bẫy đấu hay bẫy lưới? Nói về chọn chim, phải xuất phát từ MỤC ĐÍCH chơi trước? chơi để làm cảnh hay để nghe hót? Để đi mồi hay đi trường? hay cao hơn nữa là chào mào đi thi? Trong phạm vi bài viết hướng đến mục đích chơi trường là chủ yếu, vì đây là mục đích mà nhiều anh em đang theo đuổi.

II. Giải thích từ ngữ

Chim bẫy đấu: Là chim đánh bằng lồng bẫy (lụp). Chim bẫy đấu cũng chia ra làm 2 loại nhé, các bác phải nhớ kĩ, rất nhiều người thường bị lầm. Một là đánh bằng chim mồi, có nghĩa là dùng chim mồi dụ, đấu với chim trời, từ đó chim trời nhảy vào đá => dính.

Chim bẫy bằng hoa quả: Cái này cũng được gọi là bẫy đấu nhé, nhưng con chim không phải nhảy vì đá chim mồi mà vì…ham ăn. Khi đi đánh người ta sẽ treo nhiều hoa quả xung quanh, con chim mồi hót, đấu nhưng yếu, con chim trời chủ yếu vì miếng ăn mà nhảy => dính. 

Chim bẫy lưới: là kiểu người ta “bắt số lượng lớn”. dùng lưới giăng, cả đàn bay qua, to nhỏ lớn bé già trẻ bắt sạch.

Chim má trắng: là chim chào mào non, mới lên mùa đầu tiên, 2 má 2 bên còn chưa lên tách đỏ (ở Huế anh em còn gọi là chim lứa). loại này có ưu điểm là cực kì dễ thuần, nếu nuôi được vài mùa thì có thể thả rong như gà vịt. Nhưng nhược điểm là chất giọng không có, phải tiến hành ép giọng (cách ép giọng đã có bài viết trước). Nết đấu cũng không ổn định.

Chim già rừng: ở Huế người ta gọi là chim trời, là thuật ngữ chỉ những chú chim đã có từ 3 tuổi rừng trở lên (cách phân biệt chào mào già rừng đã có bài viết). Loại này ưu điểm là chất giọng, nết đấu ĐA SỐ ổn định, hay. Tôi nói là đa số vì không có nghĩa là tất cả nhé, nguyên nhân tại sao sẽ giải thích sau. Nhưng có cái là rất nhát, khó thuần.

III. Bàn về cách chọn chào mào
Từ những đặc điểm ở trên chắc anh em cũng đã có suy nghĩ riêng của mình. Xuất phát từ việc đi giàn, đi cafe cần phải có những con chim lì lợm, chất giọng, nết đấu chuẩn thì ta nên chọn ưu tiên theo thứ tự như sau:

Thứ nhất: chọn chim bẫy đấu, mà phải là loại già rừng, có thung, lãnh thổ riêng (tức là bẫy đấu loại 1). Vì sao? Vì đây là những con chim có tố chất tốt, có lãnh thổ riêng tức là đã có bản lĩnh đấu tranh sinh tồn, bảo vệ lãnh thổ, đã phải trải qua nhiều trận chiến, chịu nhiều gió sương. Khi ra giàn dù chim có dữ dằn thế nào nó cũng không sợ.

Thứ hai: chọn những em đánh lưới nổi bật. Tại sao lại là đánh lưới, phần lớn anh em không thích chim đánh lưới, nhưng theo tôi đó là quan niệm chưa đúng, trong đàn chim khi nào cũng có con hay con dở, còn đầu đàn, có chim chót, cho nên nhiều khi trong đàn chim đánh lưới cũng có chú chim hay, tố chất thực sự, có nhiều chú chim đánh lồng mãi không được, người ta phải dùng cách bẫy lưới, như vậy có thể nói, bẫy lưới cũng có thế mạnh riêng của nó.

Thứ ba: chọn những chú chim có tố chất tốt. tố chất tốt ở đây là gì? Có nghĩa là phong độ lì lợm. không sợ bất cứ con nào. Thái độ phải gấu, giọng phải đè, to rát. Vì em nó là thứ 3 nên tất nhiên là sau khi chọn hết 2 loại trên ta mới lưu ý đến những em này. Đến nước này thì ta chọn má trắng cũng được, già rừng càng tốt, bẫy đấu hay lưới không quan trọng, miễn là em nó đáp ứng được tiêu chí trên.

Vấn đề thứ 2 tôi muốn chia sẻ với anh em là nên chọn chim bẫy đấu hay chim bẫy lưới? có nhiều anh em bảo rằng “Chim nào cũng được, miễn là có tốt chất tốt”. Nhưng mà việc tìm ra tố chất thật của con chim e rằng hơi khó. Cho nên theo tôi, nếu có điều kiện anh em nên chọn bẫy đấu, mà phải là bẫy đấu loại 1, chứ bẫy đấu loại 2 thì thôi, không nuôi còn hơn. Nếu không có điều kiện thì anh em chọn chim bẫy lưới cũng được, nhưng phải dặn cái người đi đánh chọn được con chim đầu đàn, hoặc những con chim có bản lãnh, những con này cũng không thua kém gì những con đánh lồng đây nhé.

Vấn đề thứ 3 mà tôi muốn chia sẻ đó là: Khi mua chim, nếu mua chim già rừng thì nên chọn loại bẫy đấu, còn bẫy lưới, và đặc biệt mua ở các quán chim, thì nên chọn má trắng. Tại sao tôi lại nói như vậy, vì chim bẫy lưới già rừng những con hay thì họ chọn lại hết rồi, chỉ còn là những chú không được gì? Vì sao cũng là già rừng nhưng không được gì? Trong đàn tất nhiên có con già con trẻ, những con già mà đi chung với đàn (trừ những con đầu đàn nhé) thì đều là loại bạc nhược, không có bản lãnh, không tự xây dựng được lãnh thổ riêng cho mình nên mới đi theo đàn kiếm ăn, những con như vậy còn thua cả má trắng, chọn về làm gì, chơi giọng cũng không được nói gì đi trường.

Còn má trắng thường thì đa số đều đi thành đàn, khi ra tách đỏ, những chú nào có bản lãnh sẽ sớm tìm cặp cho mình, sớm có lãnh thổ riêng. Có người cho rằng, má rắng là loại không biết sợ ai, hoàn toàn đúng. Vì nó còn non, chưa và chạm, chưa đấu tranh nên chúng là gì biết sợ, nếu chọn được những chú chim tố chất và có chế độ cọ xát hợp lí em nó sẽ ngày càng lên đô, chả biết sợ ai (chào mào thiết mộc chân cũng từ má trắng lên). Tuy nhiên loại này rất dễ bể chim. Nếu gặp phải con nào quá hung hăn, mà ta không tách ra sớm thì nguy cơ bể chim là vô cùng lớn. Cho nên, nuôi loại này mất nhiều thời gian, công sức, vì vậy anh em không yêu thích lắm.

IV. Lời kết
Trên đây chỉ là một vài lời chia sẻ của bản thân trong việc chọn chim, lúc đầu khi mới biết chơi chim, mình cũng nuôi má trắng, đơn giả vì nó dễ thuần, nhưng bây giờ mình chỉ thích già rừng thôi. Anh em thường cho rằng, tố chất là quan trọng nhất. Nhưng có chọn ra được con chim có tố chất không mới là vấn đề. Vậy thì nếu được chọn, tại sao chúng ta không chọn những chú chim có nguồn gốc, tỉ lệ tiềm năng cao? Chúc anh em chọn được những chú chim như ý

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *