Bài 1. Chọn chim chào mào

Bài 1. Chọn chim chào mào
    Mục đích của bài viết là giúp cho anh em mới chơi chào mào có cái nhìn rõ ràng hơn khi đánh giá một chú chim chào mào. Từ đó giúp có những lựa chọn chính xác hơn. Để chọn được chim, thì đầu tiên chúng ta phải biết thế nào là chim chào mào đẹp. Một con chim đẹp hội tụ rất nhiều tố chất. Đầu tiên mào chim phải dày, mào lân thì chim nhìn dữ và đẹp, mào cui thì chim có vẻ lìm lợm. Tách chim phải to, đều hai bên, màu đỏ. Yếm chim dài, sậm màu, gần khít vào nhau. Hầu chim to, khi chim hót nhìn sẽ rất đẹp. Mình chim thon dài, cân đối. Cánh chim không dài quá phao câu, xếp đều hai bên, không xếp chồng lên nhau. Và quan trọng nhất là đôi mắt chim. Tại sao có người nhìn vào cảm thấy thân thiện, có người thấy dữ dằn làm bạn e sợ, đa phần là đôi mắt. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Đối với chim cũng vậy, nhưng để nhìn mắt chim mà đánh giá thì e rằng bạn phải có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề chơi chim, và không phải ai lâu năm cũng đánh giá được điểm này của chim.Nói chung, nhìn chim cân đối, khỏe mạnh, đừng hiền quá mà dễ chim hèn là tốt.
Sau khi đã biết thế nào là chim đẹp thì ta sẽ cùng chọn chim. Với người mới chơi chim, mình khuyến khích không chơi chim bổi, vì rất dễ nản. Để phù hợp điều kiện kinh tế, nên chơi chim chưa có mùa nhưng đã hơi dạn ở tiệm, chim đã ra giọng, siêng hót, hơi dạn người. Những chú chim như thế giá thành cũng không quá cao, chỉ tầm bốn năm trăm là đã sở hữu được một chú rồi. Về chăm lấy kinh nghiệm. Còn thật sự đam mê, không ngại khó ngại khổ, các bạn có thể chọn bổi tuyển. Loại bổi này giá cao gấp hai đến ba lần so với bổi thường. Và tất nhiên đa số những chú bổi này có tố chất hơn, dạn chim hơn, và thường là đẹp hơn. Chọn chim cần phải kiên nhẫn, ngồi quan sát một chú chim tầm nửa tiếng thì mới kết luận được có nên mua hay không. Nếu chim đã sang lồng bổi thì hãy thử thay đổi vị trí các chim xung quanh nó, đánh giá chim kè đấu như thế nào, có bỏ nước không. chim đang kè mà cụp mào thì không chọn. chim giật mình khi nghe chim khác chéc hoặc hót thì không chọn. Nên chọn những con nào có thái độ kè lồng tốt, nhìn đầu gấu. Tiếp đến là giọng chim, giọng chim phải to, đanh, nghe vang. Thật ra cái này cũng khó cho những bạn chưa có kinh nghiệm, Việc thẩm âm chim đòi hỏi một quá trình và niềm đam mê. Đừng chọn những chim thấy há mỏ nhưng không phát ra tiếng. Những chim đó thường là chim hèn, giọng không hay, không to.Chim có thể không chơi, nhưng chơi là phải ra tiếng rõ ràng.
Có một việc quan trọng trong việc chọn chim đó là vùng của chim. Vùng miền ảnh hưởng rất lớn đến tố chất của chim. Vì đặc điểm đất nước ta trải dài từ Bắc chí Nam nên giọng nói của con người(người nhé, huống gì chim) cũng thay đổi theo, giọng Bắc, giọng Nghệ An, giọng Huế, giọng Quảng Nam, giọng Gia Lai Dak Lak, giọng Bình Định. Và chim cũng thế, thường dân chim chuộng chim Huế và Quảng Nam nhiều hơn các vùng khác. Về việc vùng miền thì mình sẽ có một bài khác bàn về vấn đề này nhé. Thật ra giờ chim chuẩn vùng rất hiếm và cũng ít chim có giọng chuẩn vùng nữa(bị toàn cầu hóa giọng chim rồi 🙁 ).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *