Những sải cánh hoang dã chốn Hà thành

Thảo luận trong 'Kiến thức chung về chim săn' bắt đầu bởi butchi, 11/9/10.

  1. butchi

    butchi Quy ẩn giang hồ

    Tham gia ngày:
    8/9/10
    Bài viết:
    224
    Được thích:
    3
    Điểm thành tích:
    0
    Chắc hẳn trong mỗi chúng ta ít nhiều đã một lần được đọc hoặc nhìn trên phim ảnh hình ảnh Thành Cát Tư Hãn, vị Hoàng đế vĩ đại và là chiến binh dũng cảm nhất trên thảo nguyên Mông Cổ, cùng những chiến tướng cận thần phóng ngựa vào rừng bắt đầu một chuyến đi săn mới. Trên cổ tay Đại Hãn ngất nghểu con chim ưng mà ông rất mực yêu quý. Vào thời điểm đó, chim ưng được huấn luyện để đi săn. Chỉ cần nghe hiệu lệnh của chủ nhân là con chim bay vút lên cao hàng nghìn thước nhìn dáo dác xung quanh tìm kiếm con mồi. Nếu phát hiện thấy nai hoặc thỏ, nó sẽ lao xuống như tên bắn và vồ chặt chúng... [​IMG]
    Xin bắt đầu bài viết này bằng hình ảnh “Con chim ưng” của Hoàng đế Thành Cát Tư Hãn. Bởi hình ảnh người huấn luyện chim ưng tưởng chừng chỉ có ở thảo nguyên Mông Cổ, những vùng đất ả-Rập Xê-út hay các quốc gia thuộc khu vực Trung Á, thế mà nay hình ảnh những chú chim ưng chao liệng trên bầu trời Hà Nội đã xuất hiện, nó đang được một số người đam mê “thần điêu” huấn luyện ngay tại Thủ đô…
    Chuyện là thế này, ông Nguyễn Lê Bách, nguyên Đại sứ Việt Nam tại 5 quốc gia Trung Đông đã từng lai rai kể về những con chim ưng - một loại chim chuyên dùng để đi săn ở vùng sa mạc. Ông kể, đây là 1 môn thể thao, hoặc cũng có thể coi là một thú vui của các thành viên hoàng tộc hoặc các đại gia tại các quốc gia dầu mỏ khu vực Trung Đông.
    Điển hình là ở các nước Oman, Qatar, Bahrain, các thành viên trong UAE - Liên hiệp các Tiểu vương quốc ả-Rập, ả-Rập Xê-út... Một con chim ưng đã được huấn luyện, biết săn mồi thành thạo, có giá không dưới 1 triệu USD. Con chim ưng với giá trị như vậy, nên đi kèm theo nó cũng là một loạt những thứ tốn kém: một người có chuyên môn biết dạy và chăm sóc chim từ khi mới ra ràng, và cũng chỉ người đó mới “ra lệnh” được cho chim.
    Một bác sỹ thú y chuyên chăm sóc chim với những loại thuốc đặc hiệu; những “phụ tùng” của một con chim ưng như chiếc mũ bằng da có gắn gia huy bằng vàng thật để đội cho chim khi đi săn. Khi con chim xé gió lao từ trên cao xuống để bắt mồi, những chiếc bao bằng da để lồng vào cánh tay ông chủ khi cho chim đậu vào để vuốt ve nó. Những cây bằng gỗ để chim đậu, ăn hoặc nghỉ ngơi giữa sa mạc...
    Câu chuyện về một thú chơi chim ưng ở phương xa “phức tạp” thế đấy. Vậy mà, giữa đất Hà thành này, thật bất ngờ khi không khó khăn gì, chúng ta có thể nhìn thấy những chú chim ưng và trò chuyện với những ông chủ nuôi chúng từ lúc còn nhỏ tới khi sải cánh trên bầu trời.
    Anh Lưu Công Thường là một kỹ sư xây dựng, nhà ở I1 Thanh Xuân Bắc đã có thâm niên trên 2 năm nuôi và huấn luyện chim ưng chia sẻ: “Nuôi chim ưng phải có vườn rộng, loài này không để trong lồng được nên phải xích chân đặt chim lên cành cây. Một ngày phải đưa chim ra sân cho “tự do” 2 đến 3 lần. Lúc đầu phải buộc dây vào chân, vài trăm mét dây cho bay quanh.
    Sau khi quen thì bỏ dây, để đạt được mức quen cũng phải mất khoảng thời gian từ nửa năm đến 1 năm. Nuôi chim ưng phải nuôi chúng từ khi còn nhỏ, lớn không thể huấn luyện được chúng nữa. Đầu tiên phải có mũ cho chim, bịt mắt và chỉ để hở mỏ cho chúng quen hơi người và tiếng động, sau nhiều lần, chim quen người sẽ không sợ và bay lung tung. Thời gian trước, người đam mê ưng thường lên đường Hoàng Hoa Thám kiếm chim, thi thoảng lắm, 1 năm có một hai lần bán.
    [​IMG]
    Chim ưng này đa phần chuyển từ tỉnh ngoài về, nhiều nhất là TP Hồ Chí Minh. Số còn lại là chim bị bẫy. Lúc đầu tôi mua và định giữ lại một thời gian bởi chân chim bị đau do bị đánh bẫy, rồi thả đi... Nhưng con chim ưng tôi sở hữu còn non quá, không bay tự do được, nên giữ lại nuôi. Dần dần nó quen chủ, không xích để nó muốn bay đi lúc nào cũng được, nhưng lạ nỗi là nó không bay đi, chỉ bay đi săn mồi rồi lại bay về.
    Móng chim ưng rất sắc, tay tôi không ít lần chảy máu vì móng nó bám vào. Cho chim ưng ăn cũng không dễ, một ngày ăn 3 đến 4 lần, nó không kén thịt nhưng chỉ ăn thịt sống. Nếu nó còn nhỏ, thái thành miếng nhỏ, đặt lên cành cây nó sẽ tự đến ăn. Khi lớn có thể cho đậu trên tay, đưa vào mỏ chúng. Đôi lúc bận quá, không có thời gian cho chúng ăn, nó sẽ tự bay đi kiếm ăn rồi quay về. Mỗi lần vậy phải rửa móng và mỏ cho chúng bởi dính máu”...
    Thú chơi chim của người Hà Nội đã có từ lâu đời, nhưng chủ yếu là chơi họa mi, khướu, vành khuyên, cu gáy hay yến tứ quý. Những người chơi loài chim này thường nhốt chúng trong lồng để thưởng thức tiếng hót và màu lông.
    Chơi chim thả chỉ có bồ câu. Nhưng rất hiếm người có đủ “khả năng” nuôi được chim ưng. Anh Lưu Công Thường khẳng định, ở Hà Nội, hiện có không quá chục người đang sở hữu những chú chim ưng thứ thiệt, và vẫn đang phải “bơi” trong cách huấn luyện chúng. Anh Minh Phương, nhà ở làng Ngọc Hà chia sẻ: “Để huấn luyện một con chim ưng thành thục mất rất nhiều thời gian và là cả một nghệ thuật. Muốn huấn luyện thành công cần hết sức kiên trì và phải biết cách tiếp cận với chim. Để chim làm quen người cũng mất gần một năm.
    Tuổi thọ của một con chim ưng tầm 15 năm, ngần ấy thời gian là ngần ấy công sức của ông chủ phải bỏ ra. Người chủ cần tố chất tự nhiên đủ để “át vía” được chú chim hoang dã này. Giống chim ưng được coi là loài chim thần, chúng có sự giao cảm với con người. Những ngày đầu khi đưa thức ăn lại gần, chú chim vẫn sử dụng những thế “võ” hoang dã như dùng chân tấn công vào tay chủ để giành lấy thức ăn, hay nó xiết chặt móng khi đậu trên tay chủ”...
    Quay trở lại với những con chim ưng ở phương xa, đó là các nước có truyền thống huấn luyện chim ưng sử dụng trong việc đi săn đã có từ lâu đời. Những quốc gia phát triển còn huấn luyện chim ưng trong các công tác bảo tồn, cho chim ưng xua đuổi tất cả các loài chim khác, không cho chúng đậu lên các công trình kiến trúc để đề phòng chất thải sẽ làm hỏng mái nhà, như các nhà thờ mái chóp nhọn dát vàng ở nước Nga; hay các thành phố với các ngôi nhà cổ có hàng nghìn ngọn tháp như Thủ đô Praha cổ kính...
    Còn các quốc gia ả-Rập lại nuôi chim ưng như minh chứng cho đẳng cấp của các ông hoàng. Về lại với Thủ đô Hà Nội nghìn năm, hình ảnh những chú chim ưng chao liệng trên bầu trời đã dần xuất hiện. Để sở hữu chim ưng cũng là khó; nuôi, chăm sóc và huấn luyện chúng lại càng là điều không dễ dàng với bất cứ ai.
    Theo thời gian, bằng niềm đam mê, họ huấn luyện được những chú chim ưng tung cánh bay đi và quay trở lại đậu trên tay chủ. Họ mong ước một ngày không xa sẽ huấn luyện được loài chim được coi là “thần điêu” này như một bộ môn nghệ thuật. Đó là tâm sự của anh Đức Hà, nhà ở Nghi Tàm khi nói không hết chuyện về loài chim này với chúng tôi. Còn anh Lưu Công Thường lại đến với niềm đam mê này với một mục đích rất khác -“Nếu để nói một lời về loài chim này e rằng không đủ.
    Tôi yêu chim ưng, nhưng hãy để nó tự do!” - “Tự do?” - “Đúng, để chúng tự do bằng cách tôi mua lại của những kẻ bẫy nó, chăm nó cứng cáp đến khi nó tự bay đi, rồi thả nó đi tìm tự do. Khi để chim ưng tự do đi kiếm ăn, nếu gặp chim mái nó sẽ không bay về, mà sẽ lập gia đình luôn. Một lần tôi bắt gặp một người bán chim ưng trên đường, dừng lại xem thì ưng đã trưởng thành, mua 1 con rồi thả đi. Ông bán hàng hỏi chỉ biết trả lời là ưng yêu tự do thì hãy để nó tự do. Hy vọng nếu bài báo này ra mắt công chúng độc giả, tôi sẽ được đọc một dòng - Hãy để chúng tự do!”...
    Qua những câu chuyện về một niềm đam mê, một thú chơi về một loài chim quý dần hiện hữu nơi chúng ta đang sống, tôi nhớ đến một tích truyện đã đọc ngày xưa, đó là ở một miền đất rất xa, khi người con trai bước sang tuổi thứ 15, người cha sẽ tặng cho con trai mình một con chim ưng để làm quà sinh nhật minh chứng cho sự trưởng thành. Và ở cội nguồn sâu xa về loài chim hoang dã đó có một sức hút khó tả nào đó.
    Phải chăng, điều dễ nhận biết đó là loài chim mà hình tượng của nó gắn với lòng trung thành con người muôn đời vẫn đề cao - Một loài chim với một đôi mắt sắc sảo, cái đầu mạnh mẽ đầy thông minh, sải hết tầm cánh, tự do chao liệng vòng tròn trên không trung; tuyệt đối trung thành và không bao giờ theo chủ mới trong câu chuyện “Con chim ưng của Thành Cát Tư Hãn”- ... Mặt trời bắt đầu khuất dần sau các dãy núi nhưng Đại Hãn và đoàn tùy tùng vẫn chưa săn được nhiều con mồi như mong đợi. Sau nhiều giờ quần thảo trên ngựa dưới sức nóng của buổi chiều hè, Đại Hãn bắt đầu thấy khát nước. Con chim ưng vụt khỏi cổ tay ông và lao vút đi.
    Chợt ông thấy có nước rỉ ra từ một ghềnh đá. 3 lần hứng nước trong sự kiên nhẫn bởi thật lâu cốc nước bằng bạc mới đầy là 3 lần bất thình lình, một âm thanh vút lên từ trên không và một vật xẹt ngang tay ông, chiếc ly rơi xuống đất. Đó là con chim ưng yêu quý của ông. Lần thứ 3 ông rút gươm cầm trên tay. Một lằn sáng vút lên và thanh gươm của ông chém trúng con chim. Con chim đáng thương nằm quằn quại và giẫy chết dưới chân chủ nhân nó. “Ta sẽ uống nước tại con suối”.
    Khi đến nơi, con suối mà ông nghĩ thực ra chỉ là một vũng nước nhỏ, một con rắn lớn, nổi tiếng là loài cực độc, đang nằm chết rữa giữa vũng nước đã làm nước trào ra ngoài. Cơn tức giận nhất thời đã khiến ông vung gươm giết chết con chim yêu quý - chỉ vì nó muốn cứu mạng ông. Kể từ đó, hình ảnh con chim ưng giẫy chết trong vũng máu luôn nhắc nhở ông nói riêng và tất cả chúng ta đừng bao giờ hành động điều gì trong cơn tức giận.
    Quân.Trần
     


Nếu chưa có nick trên chimcanhviet.vn thì dùng nick facebook bình luận nhé