KỸ THUẬT NUÔI CÁ DÒNG BLUEBASE

Thảo luận trong 'Cá Rồng - Phụ kiện' bắt đầu bởi ngoctuan, 29/3/16.

  1. ngoctuan

    ngoctuan Đại Bàng Bố Ban quản trị

    Tham gia ngày:
    11/9/10
    Bài viết:
    9,242
    Được thích:
    1,956
    Điểm thành tích:
    65
    Giới tính:
    Nam
    Nghề nghiệp:
    IT manager
    Nơi ở:
    Ho Chi Minh
    KỸ THUẬT NUÔI CÁ DÒNG BLUEBASE

    Như đã đề cập trong bài viết trước, Kim long được chia ra 2 dòng chính là Quá Bối (Crossback) và Cao Lưng (Highback). Và từ 2 dòng này chúng lại được phân chia ra nhiều loại khác nhau dựa trên phẩm chất, đặc điểm và các trại nhân giống đặt tên cho chúng.
    Tuy là dòng kim nhưng cả dòng quá bối và hightback lại chia ra 2 loại màu nền chính, nền vàng và nền tím-xanh (bluebase).
    Loại nền tím-xanh luôn thu hút ánh nhìn của người thưởng ngoạn hơn loại nền vàng vì chiếc vẩy của dòng bluebase nhìn rất đặc biệt, viền vẩy thì ánh lên màu vàng gold sang trọng còn nền vẩy thì lấp lánh màu tím-xanh quyến rũ, vẻ đẹp của bluebase hấp dẫn đến khó cưỡng. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay có nhiều loại cá rồng được lai tạo chéo, ép giống để đạt năng suất cao... Nên cho ra đời những loại bluebase lai, những loại này dù nuôi đúng kĩ thuật cũng không thể có được nét đẹp huyền bí như loại thuần gen bluebase. Và một thực tế không thể phủ nhận rằng, kể cả những em bluebase chính hiệu cũng hiếm có em nào đạt được những tiêu chuẩn và vẻ đẹp cho đúng nghĩa bluebase. Thời gian vừa qua, lướt trên trang của Hội, em chỉ thấy họa hiếm có 1 em bluebase của "anh nào đó" nuôi thả ao ngoài trời (ở miền tây), 1 em của "anh nào đó" pom thùng ngoài trời (ở Sài Gòn-cá đã chết) và 1 em của tiệm cá nổi tiếng (tiếc là em nó bị xoăn mang) là những em bluebase đẹp theo đúng kiểu bluebase.
    Còn bluebase anh em đăng lên Hội hầu hết chưa đạt tiêu chuẩn của dòng bluebase như viền vẩy mỏng, nền vẩy đậm và ánh lên màu tím-xanh đặc trưng, đa phần là viền vẩy lớn, nền vảy vẫn là màu vàng chủ đạo pha chút ánh tím-xanh. Điều đó vì sao? Phải chăng thị trường Việt Nam không nhập được dòng bluebase đẹp? Thưa không phải như thế, mà chính vì chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến cách nuôi dưỡng, chăm sóc và cách chơi bluebase chuẩn.
    Theo quan niệm thông thường, cứ bluebase thì phải nuôi phông màu tối từ nhỏ, đèn và cách chăm sóc thì làm theo dòng kim long, đây là những cách nuôi sai lầm, khiến cho bluebase không thể phát triển và bộc lộ hết được vẻ đẹp vốn có của nó.
    Thực ra, để chăm sóc được một em bluebase có nền tím-xanh đậm và một đường chỉ mỏng manh ở viền vẩy có màu vàng óng ánh là chuyện không hề đơn giản, nhìn những em bluebase đầy mê hoặc được trưng bày ở các cuộc triển lãm chúng ta không thể biết được rằng nó đã phải trải qua một quá trình đào luyện khắt khe hơn cả quá trình tanning cho một em huyết long.
    Do sự cầu kì, phức tạp trong cách nuôi nên kĩ thuật để pom và tanning bluebase cũng không được mấy người quan tâm, tìm hiểu. Mục đích của bài viết này là em muốn chia sẻ phương pháp nuôi bluebase cho những anh em nào thực sự quan tâm và đam mê dòng bluebase, còn những ai cho rằng: "vẽ chuyện, nuôi cá chỉ cần chăm sóc cho nó sống và khỏe thế là đủ, rườm rà phức tạp mất hay, mất thời gian..." thì xin ngừng đọc ở đây để khỏi mất thời gian vô ích, để dành thời gian đi thay nước hồ, cho cá ăn và ngắm con cá cưng của mình sẽ thấy bổ ích hơn!

    KĨ THUẬT NUÔI BLUEBASE
    - Để một em kim long leo vẩy cao chúng ta phải dùng đến phương pháp pom (White tank treatment/WTT - Phương pháp thùng trắng).
    - Để một em huyết long có được bộ giáp đỏ hoặc đậm màu hơn chúng ta phải dùng đến kĩ thuật tanning (tem đèn, phơi đèn).
    - Và để một em bluebase có được bộ giáp với viền vẩy mỏng leo cao và nền vẩy ánh lên màu tím-xanh đậm chúng ta phải áp dụng luôn cả 2 phương pháp và kĩ thuật nói trên.

    1. Phương pháp pom bluebase
    - Vì cùng là dòng kim long nên muốn kích hoạt sự sản sinh các mô tế bào chromatophores giúp cho vẩy leo cao lên hàng 5 hoặc 6 thì chúng ta phải dùng phương pháp pom. Cái khó ở đây là dù pom trong thùng trắng như kim long nhưng chúng ta lại phải kiểm soát để cho viền vẩy không bị lan ra, ăn sâu vào lòng vẩy khiến cho vẩy mất đi đặc tính viền mỏng.
    - Về quy trình chúng ta cũng thực hiện tương tự như cách pom thông thường (đã đề cập ở bài viết trước), điểm khác biệt là thay vì dùng đèn trắng thủy sinh cường độ cao (6500-10000K) thì ở trong phượng pháp này chúng ta pom bằng đèn ánh sáng trắng với cường độ thật thấp. Ở đây chúng ta có thể sử dụng đèn LED tự chế với tác dụng chiếu sáng thông thường, việc này nhằm tránh để ánh sáng cường độ cao làm viền vẩy lan ra.
    - Khi pom được khoảng 6-8 tháng, nếu thấy vẩy đã leo cao, trai đuôi đã nhiều thì ngưng pom để chuyển qua tanning. Nếu khi mua cá đã thấy vẩy leo cao, có trai đuôi rồi thì chứng tỏ trại cá đã pom trước, hoặc em cá đó có phẩm chất cao nên chúng ta có thể bỏ qua giai đoạn pom.

    2. Kĩ thuật tanning bluebase
    - Khi cá đạt size 30+ các hàng vẩy đã leo cao, trai đuôi đã nhiều chúng ta bắt đầu quy trình tanning để kích hoạt tăng sinh các mô tế bào melanin và các mô tế bào xanthophores giúp cho nền vẩy lên màu tím-xanh đậm.
    - Về quy trình tanning thì chúng ta áp dụng tương tự như tanning huyết long (đã đề cập ở bài trước).
    - Về backround của hồ dùng tanning nên dán decal màu xanh dương đậm.
    - Về đèn dùng để tanning thì ngoài máng T5HO - bóng ánh sáng trắng 10000K đặt trên nóc hồ thì đèn ốp ngang chúng ta sử dụng đèn chuyên tanning có ánh sáng màu hồng tím (thích hợp nhất là TFC hoặc Arcadia).
    - Về thời gian tanning chúng ta nên kéo dài hơn 1/3 so với tanning huyết long, ví dụ huyết long tanning 3 tháng thì bluebase tanning 5 tháng.
    - Thường thì trong quá trình phát triển (từ size 25 trở lên) người ta phải tanning khoảng 3 lần, mỗi lần cách nhau 3 tháng để bluebase có được nền đậm hoàn hảo.
    Nếu áp dụng đúng quy trình, kĩ thuật pom và tanning cho bluebase như trình bày ở trên chắc chắn em bluebase sẽ thể hiện được hết những nét đẹp đặc trưng của dòng bluebase. Đọc qua tưởng chừng đơn giản nhưng thực ra nó là cả một quá trình gian nan, việc chỉ pom một em kim long hoặc tanning một em huyết long đối với nhiều người đã là một việc làm phức tạp, đằng này bluebase lại phải sử dụng cả 2 phương pháp vào một thì chỉ có những ai thực sự đam mê mới có thể kiên nhẫn thực hiện được mà thôi.
    Sau quá trình tanning, sử dụng đèn thế nào để em bluebase khoe sắc trong hồ cá khiến mọi người phải trầm trồ ngưỡng mộ cũng là điểm cần lưu ý. Khác với dòng kim long nền vàng, chúng ta sử dụng đèn cho bluebase tương tự như đèn sử dụng cho huyết long, tức là trên nóc hồ nên sử dụng 2 bóng đèn, 1 bóng ánh sáng trắng và một bóng ánh sáng hồng tím. Sử dụng T5, T8 hoặc LED là tùy sở thích của mỗi người.

    Trên đây là cách giúp cho bluebase lên được màu sắc đúng chất mà em đã thực hiện và thấy hiệu quả thì chia sẻ cho anh em cùng đam mê, cùng chơi và cùng thực hiện, và cũng chỉ dựa trên quan điểm cá nhân nên chắc chắn sẽ không tránh khỏi những thiếu sót. Mong các anh đi trước, nhất là những người đam mê vẻ đẹp mê hồn của dòng bluebase đóng góp thêm ý kiến và thêm những phương pháp hay để bản thân em cùng các ae newbie học hỏi, hầu giúp cho phong trào chơi cá rồng của Việt Nam ngày càng phát triển và chất lượng hơn.
    image.jpg
     


Nếu chưa có nick trên chimcanhviet.vn thì dùng nick facebook bình luận nhé