Hình thức thảo luận qua diễn đàn đã hết thời?

Thảo luận trong 'Chia Sẻ Chuyện Xã Hội' bắt đầu bởi ngoctuan, 25/5/16.

  1. ngoctuan

    ngoctuan Đại Bàng Bố Ban quản trị

    Tham gia ngày:
    11/9/10
    Bài viết:
    9,242
    Được thích:
    1,956
    Điểm thành tích:
    65
    Giới tính:
    Nam
    Nghề nghiệp:
    IT manager
    Nơi ở:
    Ho Chi Minh
    Gần đây cộng đồng IT Việt đang xôn xao về việc diễn đàn bảo mật lớn nhất Việt Nam là HVA đã chính thức dừng hoạt động. Theo như thông tin thì diễn đàn HVA đã hoàn thành sứ mệnh của nó sau 15 năm, để chuẩn bị thay đổi sang một hình thức mới (nó sẽ được duy trì giống như là cái kho tài liệu và bạn chỉ có thể đọc được các bài viết cũ mà thôi).

    Còn nhớ khoảng 10 năm trước thì mình thường xuyên vào các diễn đàn (forum) tại Việt Nam để học hỏi về kinh nghiệm lập trình. Hôm nay mình thử vào một diễn đàn gọi là “công nghệ” với gần 1 triệu thành viên, tại đây những topic liên quan đến “công nghệ” thì chỉ có vài chục người đang xem, còn mục “Chuyện trò linh tinh” thì có đến gần 7000 người đang xem. Mình tự hỏi, không biết trong số 1 triệu thành viên kia thì có bao nhiêu % đang làm về công nghệ, bao nhiêu % đang làm nghề lập trình? Hay chỉ là nơi để tất cả mọi thành phần vớ vẩn vô ngồi chém gió? Văn hóa giao tiếp tại các forum giờ đây cũng đã khác xa, ngày xưa lúc nào cũng “em/bác” rất tình cảm, giờ vô toàn thấy các “thím” không? Liệu có phải anh em làm gia công nhiều tiền nên thường qua Thái Lan du lịch…?

    Anh Hoàng Ngọc Diêu (conmale) admin của HVA cũng đã trả lời trên tạp chí conmaz rằng:

    “Phần lớn những bạn trên 30 tuổi là những bạn có kiến thức vì thời đầu thập niên 2000, CNTT bùng nổ ở Việt Nam. Nhờ phong trào, họ trao đổi sôi nổi, chia sẻ và bởi thế họ nhanh chóng phát triển. Có rất nhiều bạn thế hệ ấy đã thành công, đã làm việc cho những tổ chức rất lớn và tên tuổi. Những bạn trẻ thế hệ sau dường như thiếu động lực và định hướng cho nên bị tản mạn. Kiến thức thường ít sâu và hầu hết bị cuốn vào những trào lưu “hack”, chạy theo những thứ nhất thời và ít hữu dụng. Dù thời nay Internet có rộng rãi, tài liệu rất nhiều nhưng các bạn thế hệ sau thường bị lạc lõng và mất thăng bằng.”


    Trong lúc quá nản thì mình bắt gặp một điểm sáng đó là “trang hỏi đáp” DayNhauHoc.com do bạn Lê Trần Đạt lập ra (mà Đạt vẫn thường gọi đùa là Dạy Nhậu Học[​IMG] ). Đạt hiện là một developer đang làm việc tại Singapore, trước khi lập ra trang DayNhauHoc.com thì cậu ta đã dành cả hơn 1 năm rưỡi để ngồi làm các video hướng dẫn lập trình C/C++. Mình có xem qua thì thấy nội dung các video rất chất lượng, bởi vậy mà số lượng người like trang facebook của Đạt đã tăng lên đến hơn 10,000 lượt.

    Đã qua rồi cái thời một “nhân vật láu cá” nào đó dựng lên một cái forum cho mọi người sinh hoạt rồi Việt hóa mang đi thi để đoạt giải nhất “Trí Tuệ Việt Nam”. Giờ đây mình nghĩ rằng hình thức sinh hoạt kiểu forum (diễn đàn) hiện nay đang chết dần, mà nó sẽ được thay thế bởi những “trang hỏi đáp” kiểu như DayNhauHoc.com.

    Vậy bạn có thể hỏi rằng, DayNhauHoc.com được xây dựng trên nền tảng nào mà có những ưu thế nổi trội hơn hẳn forum? Vâng, để trả lời câu hỏi đó thì hôm nay chúng ta sẽ đọc bài viết của Jeff Atwood (là cha đẻ của trang hỏi đáp StackOverflow), và giờ đây anh ta đang cùng các cộng sự phát triển một nền tảng dạng mã nguồn mở để thay thế hình thức forum đã lỗi thời. Nền tảng đó có tên là Discourse (chính là cái mà Đạt đang sử dụng làmDayNhauHoc.com). Nhân đây mình cũng kêu gọi các bạn hãy ủng hộ DayNhauHoc.com để cộng đồng này ngày càng phát triển hơn nữa nhé!

    [​IMG]Hình thức forum (diễn đàn) đang chết dần và được thay thế bằng một thế hệ phần mềm cao cấp hơn.

    Thỉnh thoảng, một số bạn khởi nghiệp về công nghệ (startup) cũng hỏi tôi cho họ một vài lời khuyên. Thật là xấu hổ, bởi vì tôi là một người rất tệ để hỏi xin ý kiến tư vấn. Cuộc nói chuyện đó sẽ thường diễn ra theo nội dung giống như sau:

    Chúng tôi rất muốn nhận một vài lời khuyên của anh về sản phẩm mà chúng tôi đang làm.

    Tôi có thể sẽ không sử dụng sản phẩm của bạn. Thậm chí nếu tôi có thử dùng sản phẩm của bạn đi nữa và đưa cho bạn một số lời khuyên của tôi mà bạn gọi là của một “Chuyên Gia”, thì cũng có ý nghĩa gì đâu cơ chứ? Dù gì thì tại sao bạn lại đi hỏi tôi? Tại sao bạn không hỏi cộng đồng của bạn rằng họ đang nghĩ gì về sản phẩm của bạn?

    Và nếu bạn không có một cộng đồng người dùng và khách hàng xung quanh sản phẩm của mình, thì vâng, đó chính là vấn đề của bạn đấy. Hãy đi mà sửa chữa điều đó.

    Giống như tôi đã nói, tôi không nhận được yêu cầu cho lời khuyên khá thường xuyên. Nhưng nghiêm túc mà nói thì đó là một lời khuyên đáng giá. Và câu hỏi kế tiếp mà họ đưa ra thường làm tôi cảm thấy đắng lòng.

    Anh nói rất đúng! Chúng tôi cần một nơi cho cộng đồng sinh hoạt trực tuyến xung quanh sản phẩm của mình. Liệu chúng tôi nên sử dụng phần mềm nào?

    Đó là lúc mà tôi bắt đầu chơi một khúc nhạc sầu thảm trong tâm trí của mình. Bởi vì tất cả các phần mềm trong lựa chọn của bạn dùng làm cộng đồng trực tuyến thì, nói một cách thẳng thắn, là rất kinh khủng. Dùng Stack Exchange ư? Chúng tôi chỉ làm nó ở mức hạn chế, tập trung vào phẩn hỏi đáp Q&A là chính và bạn phải đưa ra đề xuất bổ sung tính năng bạn cần tại mục Area 51 (và phải đợi duyệt nếu ý tưởng hay thì mới được chấp nhận). Hay là dùng các phần mềm như Satisfaction, UserVoice, Desk, v.v…? Rất tiếc, phần mềm dạng hỗ trợ khách hàng thì không giống như phần mềm cộng đồng. Hay là dùng mailing list? Cái này cũng dở tệ.

    Có nên dùng phần mềm forum không nhỉ? Cũng có thể. Hãy cùng xem nào, đến nay là năm 2013, và các phần mềm forum (diễn đàn) có phát triển được chút nào trong suốt 10 năm vừa qua không?



    [​IMG]
    Forum vào năm 2000



    [​IMG]
    Forum vào năm 2013 không thay đổi gì.

    Tôi nghĩ là không.

    Các forum thường là mảng tối của môi trường web, giống như các bộ phim loại B (B-movie) của thế giới Internet vậy. Nhưng chúng cũng chứa khá nhiều nội dung. Tới ngày hôm nay tôi vẫn thường xuyên nhận được những kết quả tìm kiếm tuyệt vời trên các trang forum này cho những thông tin mà tôi đang quan tâm. Hiếm khi một ngày trôi qua mà tôi lại không kết thúc bằng việc vào một vài forum, ở một nơi nào đó, để tìm kiếm cho mình một chút thông tin mà ít người biết tới. Và thường là tôi tìm thấy nó có ở đó.

    Có những thông tin có chiều sâu đáng ngạc nhiên trên các diễn đàn (forum) như:

    • Một cô bé 12 tuổi đã tìm thấy trên diễn đàn một cộng đồng những người nhiệt tình sẵn lòng giúp cô sửa lại chiếc xe hơi hiệu Fiero đã cũ nát? Bạn xem tại đây.
    • Bạn sẽ tìm thấy hội những người luôn ám ảnh về những bộ xếp hình Lego bất kỳ đâu trên thế giới Internet? Bạn xem tại đây.
    • Một số thông tin thiết thực cho hội những người chơi diều trên thế giới? Bạn xem tại đây.
    • Nơi duy nhất mà tôi có thể tìm thấy những lời khuyên và hướng dẫn tạo ra những chiếc súng phun nước cực mạnh? Bạn xem tại đây.
    • Một số điều tra trong bài viết của tờ báo New Yorker đã phám phá ra âm mưu gian lận trong một cuộc thi chạy marathon? Bạn xem tại đây.
    Tôi có thể liệt kê ra đây nhiều ví dụ nữa. Rất nhiều phần mềm forum có chất lượng dở vô cùng nhưng vẫn đang tồn tại qua nhiều năm là một điều không thể giải thích nổi, nó vẫn tiếp tục là nền tảng của một lượng thông tin rất lớn và có chiều sâu thú vị trên Internet. Những cộng đồng này thường gồm những người có niềm đam mê đến khó tin về những thứ mờ ám cũng đến mức khó tin. Nơi mà họ không ngại ngùng bày tỏ ý kiến và quan điểm một cách khá thoải mái.

    Tại trang Stack Exchange của chúng tôi, một trong những bí quyết mà chúng tôi đã học được về Q&A (mạng hỏi đáp) đó là nếu mục tiêu của bạn muốn có một tỉ lệ nhiễu nhỏ nhất, thì bạn phảihạn chế sự bàn luận. Stack Exchange chỉ hỗ trợ một số lượng hoàn toàn rất nhỏ những thảo luận cần thiết để cho ra những câu hỏi tuyệt vời và câu trả lời cũng tuyệt vời. Đó là lý do tại sao các câu trả lời luôn nhận được sự sắp xếp lại thông qua hình thức vote, đó là lý do tại sao mà các bình luận lại bị giới hạn định dạng cũng như chiều dài và chỉ hiển thị được một phần, và rất nhiều thứ khác nữa. Hầu hết mọi quyết định thiết kế mà chúng tôi làm thì đều dựa trên mong muốn giảm bớt số lượng thảo luận, kiềm chế nó trong mọi cách có thể. Loại trừ những sự tranh luận tràng giang đại hải, chỉ để trả lời cho một câu hỏi chết tiệt nào đó đã có câu trả lời rồi.

    Sau khi dành 4 năm chẵn để nghiên cứu về mô hình thảo luận và sự hình thành cho đến lúc suy tàn của các đế chế, thì tôi bắt đầu lấy làm ngạc nhiên – liệu tôi sẽ cảm thấy như thế nào khi mình lại đổi bên chiến tuyến? Liệu điều gì sẽ xảy ra nếu tôi lại cho phép kiểu thảo luận tùy ý, cái mà tôi đã dành 4 năm trời để thiết kế chống lại nó và luôn luôn rao giảng người dùng về cái xấu xa của nó?

    Tôi đã xây dựng một X-Wing; liệu tôi có thể xây dựng một vũ khí lợi hại hơn là Tie Fighter? (ND: ý tác giả ví von trước đây anh ta đã xây dựng Stack Exchange như là X-Wing, giờ đây anh ta lại xây dựng một cái tốt hơn là Discourse — đây là 2 vũ khí lợi hại trong phim chiến tranh giữa các vì sao Stars War)

    Nếu bạn đang băn khoăn tự hỏi liệu tất cả những gì mà tôi đang ngầm nói tới khi đề cập đến Tie Fighters trong các bài blog trước đây và trên cả twitter, thì bây giờ bạn đã biết. Tất cả chúng ta hãy cùng nói lời xin chào đến vị Hoàng Đế đó.

    [​IMG]Ngày hôm nay chúng tôi xin thông báo sẽ cho ra lò sản phẩm Discourse, một nền tảng thảo luận 100% mã nguồn mở được xây dựng cho thế hệ tiếp theo của thế giới Internet.

    Mục tiêu của công ty chúng tôi đã được định hình, Civilized Discourse Construction Kit, Inc., đó chính xác là – làm gia tăng tiêu chuẩn của việc thảo luận dễ dàng trên Internet thông qua việc cung cấp cho nó một phần mềm thảo luận tốt hơn:

    • 100% mã nguồn mở và miễn phí cho tất cả mọi người, từ bây giờ và mãi mãi.
    • Mang lại cảm giác tuyệt vời khi sử dụng. Nó cũng rất vui.
    • Được thiết kế cho các máy tính bảng có độ phân giải cao và các trình duyệt web cao cấp.
    • Có một hệ thống quản trị và điều tiết thông minh cho phép các cộng đồng thảo luận có thể bảo vệ chính họ trước những troll, spammer và những tay có hành vi xấu — thậm chí không cần một moderator chính thức.
    Nhóm các cộng sự tài năng phát triển sản phẩm của chúng tôi hiện đang làm việc trên Discourse đến nay đã gần tròn một năm, và mặc dù giống như bất kỳ một phần mềm mã nguồn mở nào khác thì nó vẫn chưa bao giờ kết thúc hoàn toàn, chúng tôi tin rằng nó sẽ là một thế hệ cao cấp hơn hẳn bất kỳ loại phần mềm diễn đàn (forum) nào mà chúng ta đã từng sử dụng.

    Tôi đã vô cùng ngưỡng mộ cái mà WordPress đã làm được cho thế giới web; và phải nói rằng chúng tôi muốn trở thành một WordPress khác trong thế giới forum (diễn đàn) cũng không ngoa một chút nào. Chúng tôi cũng nghiêm túc để có thể tiến hành một công việc kinh doanh theo mã nguồn mở mà từ đó có thể tồn tại được, theo như mô hình của WordPress đã làm. Và chúng tôi không phải là những người duy nhất tin vào sứ mệnh này: tôi tự hào thông báo rằng chúng tôi đã nhận được đợt cấp vốn đầu tiên từ các quỹ đầu tư mạo hiểm là First Round, Greylock, và SV Angel. Chúng tôi đã cùng nhau leo lên một con thuyền trong một sứ mệnh 5 năm để cải thiện và định hình môi trường Internet tương lai, và con thuyền đó vừa chỉ mới khởi hành. Hãy để một triệu sản phẩm thảo luận Discourse được sử dụng và nở hoa bạn nhé!

    Và giờ đây, khi mà có ai đó hỏi tôi rằng …

    Anh nói rất đúng! Chúng tôi cần một nơi cho cộng đồng sinh hoạt trực tuyến xung quanh sản phẩm của mình. Liệu chúng tôi nên sử dụng phần mềm nào?

    Thì tôi có thể trả lời họ mà không một chút do dự.

    Và hy vọng rằng, bạn cũng có thể làm như vậy.

    Về tác giả bài viết:

    [​IMG]Jeff Atwood là một chuyên gia công nghệ tại Mỹ, hiện đang sinh sống và làm việc tại Berkeley, CA. Anh là một kỹ sư phần mềm chuyên về công nghệ Microsoft .NET, và là một blogger nổi tiếng trong cộng đồng công nghệ với blog Coding Horror, anh là người sáng lập và kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của trang web hỏi đáp uy tín Stack Overflow và cũng là đồng sáng lập của Stack Exchange vàDiscourse.
     


Nếu chưa có nick trên chimcanhviet.vn thì dùng nick facebook bình luận nhé