Cảm nhận về chim giọng chim qua hình dáng bên ngoài.

Thảo luận trong 'Vấn đề chung về Cu Gáy' bắt đầu bởi ngoctuan, 30/5/15.

  1. ngoctuan

    ngoctuan Đại Bàng Bố Ban quản trị

    Tham gia ngày:
    11/9/10
    Bài viết:
    9,242
    Được thích:
    1,956
    Điểm thành tích:
    65
    Giới tính:
    Nam
    Nghề nghiệp:
    IT manager
    Nơi ở:
    Ho Chi Minh
    cugay.jpg
    Xin thưa trước là ngoài những đặc điểm về cườm (nhỏ, dày, nền đen nhiều, cườm vàng nhiều,...), quy cánh nhặt, đều (xếp như ngói lợp), mỏ đinh, phao đỏ hoặc phao xám (có nghệ nhân không quan tâm nhiều đến phao, thậm chí chim mồi của bác này vẫn có phao trắng mà không lí giải nổi!, chân thấp và to (nếu có vảy ngang thì càng sát bổi), sắc lông xanh xám (nhìn như có phủ một lớp bụi cám mốc trắng xanh và tuyệt đối không chọn con chim có sắc đỏ sắt vì nếu nuôi nó thì nó sẽ giãy đến khi chết chứ chắc là không thuộc được nó là con chim nhát), hình dáng chim phải thuôn dài, mắt không lộ mà phải đóng (nếu khi mình xách lồng chim lại gần mà mắt của nó lòng đen thu nhỏ lại, lòng vàng phần ngoài rìa mắt to rộng ra thì đó là con chim căng lửa đấy), đầu chim phải nhỏ,...
    Theo kinh nghiệm học được từ các nghệ nhân thì qua nhìn nhận hình dáng bên ngoài chim giọng thổ và chim giọng kim có nhiều điểm khác nhau, ở đây xin đưa ra những đặc điểm bên ngoài có liên quan đến một con chim thổ hoặc chim kim mà các nghệ nhân vùng Thanh Hóa cho là hay mà nếu giọng của nó (kim hoặc thổ)mà không có những đặc điểm đi liền thì các cụ thường tránh và không chọn.
    +Chim giọng thổ: Ngoài những đặc điểm trên ra còn phải có những đặc điểm như, nhỏ con hơn, trường chim hơn, chân dài hơn (nếu chim thổ mà chân thấp, ngắn là không chọn).
    +Chim giọng kim: Thì ngược lại, chân càng ngắn càng quý, mình chim củ đậu là tốt nhất, nom con chim rất to, rất bệ vệ.
    +Cũng xin lưu ý về khái niệm chân thấp: Chân thấp là khi con chim đứng, trọng tâm cơ thể được hạ xuống ở mức thấp, chân chim dài nhưng khi đứng nó hạ thấp song song với sàn lồng làm như là nó chuẩn bị nằm xuống sàn lồng ấy... thì vẫn được gọi là chim chân thấp.
    Cái gì quyết định giọng gáy chim cu.
    (Để lí giải cách đánh giá giọng chim qua ngoại hình có rất nhiều ý kiến khác nhau, Bạn nghe nhé! )
    - Ý kiến thứ nhất cho rằng: Có thể đoán giọng gáy của chim cu cườm qua ngoại hình, những người đã có quá trình, có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi, thuần chim cu cườm thì việc nhìn ngoại hình mà đoán giọng gáy của nó có khi độ chính xác đạt đến 70, 80%. Thường thì người ta đoán qua tổng thể ngoại hình của con chim, trong đó bộ cườm cũng là một đặc điểm quan trọng để các “thầy” gieo quẻ. Vậy cho nên mới có cả một khoa tướng số dành cho loài chim cu cườm, song muốn đoán giọng gáy chim cu cườm (tương đối chính xác vì có cơ sở khoa học, căn cứ môn giải phẩu học) thì không phải từ bộ cườm trên cổ con chim mà là từ cái cổ của nó.
    Thật vậy, giọng của con chim thanh (kim), hay trầm (thổ), hay trung tính chẳng thanh chẳng trầm (đồng) là do cấu tạo của thanh quản nằm trong cổ họng của nó. Về nguyên tắc dây thanh to, dài và chùng thì sẽ phát ra âm thanh trầm (thổ), dây thanh nhỏ, ngắn và căng thì sẽ phát ra âm thanh cao (kim), còn dây thanh không dài, không ngắn, không to, không nhỏ thì con chim thì gáy âm sắc trung tính (tức giọng đồng). Thường thì cổ và dây thanh của con chim tỷ lệ thuận với nhau. Nghĩa là cổ lớn thì dây thanh lớn, cổ ngắn thì dây thanh ngắn.
    Như vậy, ta có thể nhìn vào cổ của con chim cu cườm để đoán giọng của nó. Cổ to, dài thì thường gáy giọng thổ, cổ nhỏ, ngắn thì thường có giọng kim, còn con chim có cổ quân bình thì thường là giọng đồng.
    Còn điều này cũng rất thú vị, làm sao ta thấy được dây thanh trong cổ của con chim căng hay chùng… Chịu! Chính yếu tố này thường làm tổ trác mấy ông thầy bói cu. Như trên đã nói nếu con chim có cổ to, dài thì thường gáy giọng thổ, nhưng dây thanh của nó căng (cũng giống như ta lên dây đàn căng vậy) thì nó sẽ ra giọng thổ pha đồng, còn dây thanh của nó chùng thì chắc chắn nó sẽ chơi giọng thổ bầu, thổ lùm (thấp hơn cả tiếng violonxen).
    Từ những điểm mà tôi vừa trình bày, bạn cũng có thể áp dụng để phán cho những con chim bổi mà bạn chưa có dịp nghe nó cất tiếng gáy.Hi Hi … đoán đúng cỡ 70% là quá đạt rồi!.

    * Thưa các bạn ý kiến khác cho rằng.
    - Vâng nếu nói chất giọng phụ thuộc vào thanh đới thì quá đúng rồi, bởi dây thanh đới là bộ phận phát âm mà lại...., nhưng dây thanh đới thì nằm trong thanh quản làm sao đóan được! Tôi nghĩ rằng các bạn đang cố tìm cách lý giải một cách khoa học nhất về sự liên quan giữa giọng gáy với hình dáng bên ngoài con chim, nhất là cái cổ thon thon, tôi cũng vậy nhưng câu hỏi đầu tiên được đặt ra là: dây thanh đới là gi? dây thanh đới là bộ phận phát âm nằm trong thanh quản… (xin nói đây không phải là định nghĩa khoa học về dây thanh đới...hì hì) phải chăng dây thanh đới ngắn thì phát ra âm cao và dài thì phát ra âm trầm.... như vậy các bạn nghĩ rằng quá đúng còn gi... khoan vội, hãy xem xét 1 cây đàn guitare, tất cả các dây đều dài bằng nhau, đều được căng như nhau, thậm chí dây trầm còn được căng bởi lực căng lớn hơn cơ đấy, tôi nghĩ không cần đến lực kéo các bạn cũng cảm nhận được điều này, như vậy quy luật dài thì trầm, ngắn thì bổng xem ra đi đâu?? Quy luật đúng hơn cho dây thanh đới là: mỏng thì phát ra âm cao, dày thì phát ra âm trầm, tính chất ngắn dài cũng có épphê nhưng không phải là yếu tố chính....
    - Lại nữa, các bạn hẳn nghĩ rằng đã là cái dây thì phải dài, tức dây thanh đới chạy dọc theo cổ, cổ dài suy ra dây dài và ngược lại.... có thể bạn chắc nhưng tôi không chắc lắm.... nói là dây nhưng thật ra thanh đới chỉ là hai mảnh nhỏ nằm ngang (lưu ý là nằm ngang, không phải nằm dọc) trong thanh quản, cần phân biệt thanh quản vớí khí quản, khí quản là ống thở, nối dài từ vòm họng đến phổi, thanh quản chỉ là cục phát âm nằm trên khí quản sát yết hầu (cái cục mà khi ta nói nó trồi lên tụt xuống trong cổ đó...) như vậy điều có thể nói hơn là cục yết hầu to (cổ to) thì thanh đới dài, chứ không nên nói là cổ dài thì thanh đới dài, cố dài thì khí quản dài, thực quản dài chứ không phải thanh đới dài đâu nhé hì.hì...thực tế khi mổ 1 con gia cầm hay chim ra bạn có thấy cái dây nào chay dọc theo cổ đâu mà dài với ngắn...hì hì ... có sặc chết liền.
    ** sặc sặc....Thì ra tôi nói huyên thuyên nãy giờ cũng chỉ để không công nhận một điều mà các bạn đã công nhận: "Chim gáy cổ ngắn thì kim, cổ dài thì thổ, cổ vừa thì đồng mà thôi".
    * Và ý kiến khác lại nói.
    - Các bác đã quan sát con ễnh ương chưa nhỉ?! Lúc bình thường nó chỉ nhỉnh hơn ngón chân cái người lớn một chút, vậy mà khi gặp mưa rào nó gọi bạn tình mới to làm sao,... U...O...M! ; U… O..M! nghe phải bằng hàng chục tiếng chim gáy thổ đồng ấy chứ, mà rõ là ểnh ương kêu thì nhiều "tiếng đồng" thật ấy chứ. Vậy thì nó có đặc điểm gì liên quan đến tiếng kêu nhỉ? Xin thưa là có đó ạ! Quan sát lúc ễnh ương kêu ta thấy rất rõ lúc đó bụng của nó phình to lên tạo thành cái hộp cộng hưởng âm, chính đặc điểm này đã làm cho chú ta có tiếng kêu vĩ đại như vậy!
    Loài ếch cũng có hiện tượng tương tự như vậy, ở ếch đực có túi kêu nằm ở hai bên phía dưới xương hàm. Khi ếch đực kêu, hai túi kêu cũng có vai trò như cái hộp cộng hưởng âm giúp cho tiếng kêu của nó vang xa,...
    - Mình đưa hai ví dụ trên đây để các bác thấy cái câu: "Trường cổ ắt đại thanh" không phải lúc nào cũng đúng và vì vậy nên mình cũng đồng ý với ý kiến không thể nhìn vào cổ chim gáy mà đoán nó giọng thổ hay giọng kim được mà cùng một lúc phải căn cứ vào rất nhiều đặc điểm. Nếu bảo chim cổ ngắn mà gáy giọng kim, cổ dài giọng thổ thì em cũng không công nhận vì hiện nay em đang sở hữu hai chú mồi cổ ngắn nhưng một chú giọng còi đồng, một chú giọng thổ pha đồng.
    - Vẫn là cái HỘP CỘNG HƯỞNG âm mà thôi, vậy thì cái hộp này ở chim gáy nó nằm ở đâu? khổ cườm lớn hay bé nói lên cái hộp này to hay nhỏ? chim cu gáy giọng kim đồng, còi đồng hay thổ đồng,...có nhiều nghệ nhân khi nhìn vào bộ cườm, sắc lông,... lỗ mũi của chim gáy để phán: con này gáy giọng gì.
    Các bác cứ theo dõi và chiêm nghiệm nhé! khi chim cu gáy hay gù nó phồng cổ lên,... nó đấy các bác! Cái hộp cộng hưởng âm của chim cu gáy đó mấy bác!
    * Lại một ý kiến khác nữa.
    - Âm thanh; thì theo khoa học thì phụ thuộc hai yếu tố, đó là tần số được tính bằng (hezt) và cường độ được tính bằng decibel (dB), Sự truyền thanh thì phụ thuộc vào yếu tô môi trường. Khi chim gáy giọng cao (kim)thì tần số càng cao, còn chim gáy giọng thấp (thổ) thì tần số càng thấp. khi gáy tiếng to thì cường độ (dB) sẽ cao và ngược lại. Khi một sợi dây đàn rung thì sẽ phát ra âm thanh, nhưng âm thanh phát ra còn phải phụ thuộc độ mỏng, dày, dài, ngắn và độ căng của sợi dây.... ví dụ: sợi dây số một thì thường dùng cho những âm cao, và dây số 6 thường dùng cho những âm trầm. Nếu một người nào đấy cố dùng dây số 6 để tạo ra âm cao? vậy có được không? mình cho rằng được chứ sao không!, thứ nhất mình thu ngắn lại và lên căng hơn thì nó có khó gì đâu nhưng cây đàn nào chịu nỗi cho sự căng của dây số 6 ấy cho có âm cao? nên người ta chế tạo sao cho sản phẩm phải hợp lý và khoa học.
    - Còn một dạng "phát" âm thanh thứ hai, đó là Còi (thổi còi), Theo nguyên lý khi thổi luồn không khí trước hêt luồn khì sẽ đi một vòng bên trong "bụng" cây còi rồi nó mới thoát ra ngoài bằng một cái lỗ (miệng còi) trước khi thoát ra nó sẽ "đụng" dòng không khí thổi từ miệng vào và sự "đụng" này sẻ tạo ra một ra âm thanh..... và bụng còi càng to tần số âm thanh càng thấp và ngược lại....Vậy khi cu gáy, thì nó sẽ thiên về thuyết dây đàn hay là cái còi? theo mình nghĩ thì cả hai, vì dây đàn thì tượng trưng cho thanh quản, còn cái còi thì tượng trưng cho bầu hơi. Khi chim gáy thì trước hết phải lấy hơi cho đầy bầu (ở dưới cổ) rồi ép hơi ra, lúc ép ra thì thanh quản sẻ rung nên hơi lúc này sẽ có một tần số tương ứng với độ rung của thanh quản ra ngoài tạo nên tiếng gáy nên thanh quản và bầu hơi hai thứ này không thể thiếu một được. Nguyên tắc thì rất đơn giản, nhưng quá trình gáy, thúc, dặm, gù... thì không đơn giản tý nào vì nó còn phụ thuộc vào sự điều khiển của não với thanh quản và bầu hơi, lưỡi, lỗ mũi và miệng… cũng không kém phần quan trọng.
    - Khi nhìn con chim gáy thì làm sao biết được thanh quản dài, ngắn, mỏng, hay dầy.... điều này rất khó phải không các bác? Nhìn nhiều anh cổ dài (lải) cũng có thể là kim, cũng nhiều anh cò cũng có thể là thổ bầu.... có anh to con cũng có thể là thổ, nhưng nhiều anh tý xíu cũng có thổ mà thổ bầu mới chết chứ.... nên không ai dám chắc 100% về đoán giọng cho chim gáy được... nên ta chỉ dựa vào sắc lông, cườm, mỏ.... mà đoán, tuy rằng độ chính xác không cao, nếu trúng được 70% là giỏi lắm rồi. Dù gì đi nữa cũng "trúng" được phần nào bởi thế trên diễn đàn này mới có chuyện "bói" chim..... Cái gì nó cũng có qui luật và trật tự của nó, chẳng qua con người chưa hiểu tới, nên mới "học học nữa học mãi" là vậy. Ví dụ con chim gáy có con mắt màu vàng nhạt thì khi đấu chỉ có sa cầu mấy cánh là cái chắc, nó làm sao mà gù miệt mài sương gió như những con có màu mắt vàng cam cho được.

    * Hay có người lại nói.
    - Hãy liên hệ với cơ chế phát âm của con người:
    Lời nói được hình thành bởi sự tham gia của rất nhiều bộ phận trong cơ thể. Từ vỏ não, lời nói nội tâm được chuyển xuống bộ phận phát âm gồm phổi, thanh quản, họng, mũi xoang, lưỡi, môi và răng. Cơ quan phát âm hình thành lời nói qua 3 giai đoạn: Tạo âm thanh (do sự rung của dây thanh - một bộ phận của thanh quản), cộng hưởng (họng, mũi, xoang) và phân tích âm tiết (lưỡi, môi, răng, mũi) - tạo ra các phụ âm, nguyên âm rồi tạo thành từ, câu.
    có một số người bị cắt thanh quản, nhưng người ta vẫn có thể nói được bằng giọng nói thực âm, bằng cách dùng thực quản phát ra âm thanh thay cho thanh quản, và dùng họng, mũi, xoang để công hưởng âm thanh và dùng lưỡi môi, răng để phát âm,tuy giọng nói yếu hơn bình thường, nhưng như thế có thể chứng minh không có thanh quản thì vẫn nói được.do đó theo tôi nghĩ, ở chim cu cũng tương tự như vậy, thanh quản tạo ra âm thanh, lưỡi điều khiển tiết tấu, còn âm trầm hay bổng là do bộ phận cộng hưởng (gồm cổ họng, lổ mũi) của chim quyết định.

    * Và đây nữa.
    - Theo kinh nghiệm của vùng Thanh Hóa thì việc nhìn vào đầu, cườm, thân mình, chân, sắc lông, mũi và lỗ mũi thì cũng có thể đoán biết được đôi phần con chim đó giọng gì các bác ạ!
    Những con chim đầu tròn và to, cườm vuông to vừa phải và hơi thưa,... (đặc điểm này mình liên tưởng tới hình ảnh khi nó gáy cổ phồng tương đối to, nhưng các bác lưu ý là cườm không thô đấy nhé), thân mình mập mạp, chân to và hơi dài một chút (cao chân nhưng thấp quản nếu các bác chọn chim mồi) thì - xác xuất rất cao là chú chim đó có giọng thổ.
    - Những chú chim có đầu tròn nhưng nhỏ, thân mình vừa phải thì xác xuất giọng kim rất cao.
    - Những chú chim có cườm thô (hạt cườm to và trắng lốp, nhìn vào ta có cảm giác như những hạt cườm đó có rất nhiều sợi bông trắng xốp) thì xác xuất cũng là chim giọng kim.
    - Nếu chú chim gáy có cườm vàng nhiều thì giọng thường cao, ngân chuông, nếu trường chim nữa mà lại có cườm dọc nhiều, hạt cườm thưa, khổ cườm lớn nữa thì rất dễ có giọng thổ đồng (Các nghệ nhân thường hay nói rằng: chim cu gáy có giọng thổ đồng thì nhìn vào bộ cườm không thể lẫn vào đâu.
    - Chim đầu vuông thường là gáy đủ (đầu phía trên bằng phẳng như cái sân bóng đá) nhưng nếu có hình chữ nhật thì thường gáy thừa (cái này theo kinh nghiệm của mình thôi nhé), vì trước đây mình cũng đã được nuôi một con chim gáy bổ ba (6 tiếng khi gáy gọi) nên cũng hay để ý xem những con gáy thừa thì có đặc điểm gì không và thấy chim có đặc điểm này xác xuất gáy gọi thừa tiếng cũng khá cao.
    - Con chim nhỏ, nhưng rắn chắc, có màu lông đỏ thì cũng thường là những con chim có giọng thổ!
    - Lỗ mũi của những con chim thổ mình thấy cũng hơi dài và nhỏ (hẹp).
    Mình thường hay chọn chim mồi giọng thổ theo tiêu chí ngoại hình như sau: Đầu quả mận (to, tròn); mắt lõm; quy cánh dày, nhặt, đều; chân mập, thấp quản hoặc vuông chân (riêng chim giọng thổ mà các bác tìm con nào ngắn chân là hơi bị hiếm đấy và ta cũng nên phân biệt rõ ràng thấp chân (khi chim đứng thì trọng tâm cơ thể hạ xuống, ta hình dung như người cao chân nhưng khi đứng luôn xuống tấn ấy), thân hình mập mạp (nom như con ngan trống ấy,... hi hi) nếu con nào có ức nở thì tuyệt còn không thì phải dài chim; cườm nét, có dọc, thưa, có nhiều cườm vàng và tất nhiên là phải có màu lông xanh chì nữa thì rất đạt!
    Trong thực tế đi bẫy chim gáy, mình thấy rằng có những con mồi thường chỉ bẫy được một vài giọng chim thôi. Ví dụ như con chim mồi giọng kim pha thì khó lòng mà bẫy được chim giọng thổ, nhưng chim mồi giọng thổ thì lại dễ dàng bẫy được chim giọng kim,... Chim mồi cây có giọng thổ đồng thì rất tinh khôn và bắt được bổi có các giọng khác nhau: từ kim đến thổ chứ không như chim mồi giọng khác. Ví dụ như chim giọng thổ pha thì chỉ bắt được chim giọng kim và giọng thổ pha mà thôi, còn chim rừng giọng thổ bầu, thổ rền, thổ sấm,...thì thường là potay.com!... Mình thấy trong thực tế gần như là như thế, con một vấn đề nữa đó là: chim rừng giọng thổ đồng thì rất hiếm, nếu có thêm chu, lèo, dặm, vấp,... gù chồng đấu nữa thì càng vô cùng hiếm! và chim giọng này thường rất tinh khôn, không dễ gì mà bẫy được nó nếu mồi không ngon lành các bác nhỉ!
    Mình đã từng chứng kiến khi đi bẫy chim gáy, có lần mình đang bẫy chim giọng thổ bầu, khi thổ bầu đang đấu với mồi nhưng chưa chung cây, mình can thiệp bằng cách giả vờ di chuyển nhẹ nhàng theo hướng: Mình -> thổ bầu -> lồng mồi và đã đạt kết quả là thổ bầu bay di chuyển theo hướng chủ định mà mình đã cố gắng vạch ra cho nó, nhưng khi nó chuẩn bị chung cây thì nó hốt hoảng bay vọt đi, tìm hiểu nguyên nhân thì hóa ra trước đó đã có một chú kim pha đã âm thầm chung cây trước với mồi rồi và khi chim giọng thổ đang hào hứng đến chiến đấu với mồi thì bắt gặp và sợ hãi bay đi,...
    Không biết giả thiết của mình có đúng nữa không các bác nhỉ!?
     

    Quan tâm nhiều
    Cu gáy tự rỉa lông
    Cu gáy tự rỉa lông bởi thugiang07, 28/1/23 lúc 18:48
    Chim cu gáy
    Chim cu gáy bởi An an 11123, 29/3/23 lúc 15:52
    Chim cu gáy
    Chim cu gáy bởi An an 11123, 29/3/23 lúc 15:50
    Bài viết mới
    Chim cu gáy
    Chim cu gáy bởi An an 11123, 29/3/23 lúc 15:52
    Chim cu gáy
    Chim cu gáy bởi An an 11123, 29/3/23 lúc 15:50
    Chỉnh sửa cuối: 4/11/16

Nếu chưa có nick trên chimcanhviet.vn thì dùng nick facebook bình luận nhé