Bệnh đường ruột cá La Hán

Thảo luận trong 'Cá La Hán' bắt đầu bởi anhdenday, 16/4/14.

  1. anhdenday

    anhdenday Moderator

    Tham gia ngày:
    19/9/10
    Bài viết:
    80
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    16
    Theo nghiên cứu của Peters, 1988, sau khi chịu một quá trình stress vài ngày, niêm mạc ruột của cá sẽ bị thoái hóa lớp biểu mô. Điều này dẫn đến sự suy giảm nhanh chóng khả năng tiết dịch của biểu mô, sự tái sinh của lớp biểu mô cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hậu quả là lớp bảo vệ đường ruột càng ngày càng mỏng và tăng tính thấm. Hơn nữa, các chất tiết miễn dịch cũng bị ngưng tiết. Mầm bệnh sẽ nhân lên một cách không thể kiểm soát, dẫn đến sự kích ứng nặng nề niêm mạc ruột. Cuối cùng mầm bệnh sẽ đi qua lớp thành ruột mỏng manh, yếu ớt đi vào máu và xâm chiếm toàn bộ cơ thể.



    [​IMG]


    NHIỄM GIUN
    Giun tóc
    Giun tóc là một loại giun tròn, xuất hiện trên tất cả các loại cá cảnh, thường ít gây hậu quả nghiêm trọng. Giun tóc rất dài (đôi lúc đến 3cm), nhưng bề ngang rất hẹp, tối đa chỉ khoảng 1mm. Cá La hán nhiễm bệnh trở nên sẫm màu và ăn ít. Giun không thể sinh sản nhiều trong cơ thể cá khỏe, do đó nếu tìm được nhiều giun có nghĩa là cơ thể cá đã bị suy yếu trầm trọng hoặc một lượng lớn trứng giun tóc đã xâm nhập vào hồ qua các loại thức ăn sống. Một liều điều trị duy nhất với Flubendazol liều 10mg Flubendazol cho 100 lít nước, để tăng hiệu quả sử dụng Flubendazol có thể kết hợp với 10 ml DMSO (dimethylsulfoxide) hoặc dùng acetone, nhưng cần phải sục khí mạnh. Giun tóc là loài đơn tính, khi còn sống rất khó có thể tìm được trong phân. Trong phân chỉ có thể tìm được trứng giun, kích cỡ rất nhỏ, khoảng 50 micromet.
    Trong hồ cá, sự nhiễm bệnh xảy ra khi cá tìm mồi dưới đáy và nuốt luôn cả trứng. Trứng lúc này đang ở trong giai đoạn ngủ. Khi tiếp xúc với dịch tiêu hóa, chúng trở nên hoạt động và phát triển. Để phòng bệnh này nên sử dụng thuốc phòng Flubendazol trước khi đưa cá mới vào chung hồ.
    Giun Camallanus
    Cá bị nhiễm giun Camallanus thường thấy giun ló ra một nửa chiều dài ở hậu môn mỗi khi cá đứng im, không di chuyển nhiều. Loại giun này gây tổn hại đến cơ thể cá do nơi hàm khỏe mạnh của chúng, thường cắn vào thành ruột. Các mô bị tổn thương thường bị chết, tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây bệnh và các mầm bệnh khác tấn công. Nếu chỗ tổn thương bị thủng thì các mầm bệnh sẽ có cơ hội xâm nhập vào bên trong xoang bụng, hậu quả là cá sẽ có dấu hiệu bị nhiễm độc.
    Giun dài khoảng 2cm và dày khoảng 1,5mm, màu đỏ sẫm đến nâu. Giun khi nhiễm nhiều sẽ thoát khỏi cơ thể cá và rơi xuống đáy hồ. Nếu cá ăn phải thì lại tiếp tục nhiễm vào. Có thể dùng Flubendazol trộn vào trong thức ăn hoặc đánh vào nước, sau đó khoảng hai tuần nên dùng thuốc lần nữa để tránh tình trạng tái nhiễm.
    NHIỄM TRÙNG ROI
    Nhiễm trùng roi là bệnh đường ruột rất phổ biến trên các loài cá La hán. Trùng roi là một cơ thể đơn bào, có nhiều kích cỡ, hình dạng và nhiều roi. Trùng mỏng như sợi chỉ, di chuyển rất nhanh. Trên cá La hán, trùng roi chỉ gây bệnh được khi hiện diện với số lượng lớn. Những trường hợp nhiễm nhẹ rất nhiều và thường không gây nguy hiểm nhưng cũng làm cho thức ăn bị giảm hiệu quả. Trùng ký sinh không thể sinh sôi nảy nở nhanh trong cơ thể một con cá khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu cá bị yếu đi do những bệnh khác hay do các yếu tố bên ngoài tác động như thức ăn không đủ chất xơ, chất lượng nước không tốt, trùng roi sẽ bùng nổ về số lượng. Trùng roi nằm trong đường ruột sẽ lấy đi nhiều chất dinh dưỡng trong thức ăn của cá và gây kích ứng niêm mạc ruột, do đó sẽ làm cá yếu đi nhanh chóng. Cá bị bệnh nặng sẽ yếu đi, sẫm màu, chán ăn. Trong trường hợp nhiễm nặng cá sẽ bị rách, thoái hóa phần rìa vây và vây bị lủng lỗ. Nhưng trước khi đến giai đoạn này, cá thường trải qua giai đoạn bị phân trắng.
    Trùng roi không thể lây qua không khí, không lây qua thức ăn đông lạnh mà đường lây nhiễm là từ nước hồ hay cá đã bị nhiễm bệnh, đặc biệt là từ cá bố mẹ lây sang cá con.
    Việc điều trị liên tục cũng không thể nào tiêu diệt hết mầm bệnh. Để điều trị có thể sử dụng metronidazol 100mg cho 100 lít nước, ngâm liên tục trong 3 ngày, năm ngày sau lặp lại; hoặc sử dụng 250mg metronidazol cho 100g thức ăn, ăn hai lần mỗi ngày liên tục trong 6 ngày (Xin theo dõi kỹ trên ấn phẩm Cá Cảnh tập 11).
    BỆNH VI KHUẨN ĐƯỜNG RUỘT
    Vi khuẩn cũng là một phần của hệ vi sinh vật đường ruột và đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tiêu hóa thức ăn. Một vài loài vi khuẩn còn có khả năng sản sinh ra vitamin.
    Giống như nhiễm ký sinh trùng, nhiễm khuẩn đường ruột không biểu hiện triệu chứng ngay lập tức, chỉ khi nào số lượng tăng lên đến số lượng nhất định thì cá mới có những triệu chứng không tốt, từ từ chuyển sang màu sẫm và bỏ ăn. Phân trắng trong giai đoạn này có thể xuất hiện.
    Cá nhiễm khuẩn đường ruột cần phải tăng cường nhiệt độ lên khoảng 3oC, sử dụng kháng sinh trộn vào thức ăn như chloramphenicol liều 500mg cho 100g thức ăn (Xin theo dõi kỹ trên ấn phẩm Cá Cảnh tập 11), thế nhưng không phải tất cả các ca bệnh đều được chữa trị thành công, việc can thiệp sớm là rất cần thiết. Nếu cá không ăn thì cần phải dùng biện pháp “ép ăn”.
    KÉN TRÊN THÀNH RUỘT
    Trên các loài cá La hán cũng như nhiều loài cichlid có kích thước lớn khác, khi mổ tử, người ta thường phát hiện kén hình thành trên thành ruột. Kén này có thể không gây độc nếu nó chỉ là thành phần thức ăn có nhiều góc cạnh đâm vào thành ruột và bị hệ thống miễn dịch của cá bao phủ. Kén thường thấy trên cá La hán khi cho ăn tép quá lớn, những cạnh sắc trên vỏ tép có thể đâm vào thành ruột, hệ thống miễn dịch sẽ phát triển các mô bao xung quanh vật lạ này và tạo thành kén. Sự nhiễm khuẩn cũng hình thành kén theo cơ chế tương tự.
    VIÊM RUỘT
    Hiện tượng viêm ruột có thể nhận thấy bằng hiện tượng xuất hiện khu vực có màu đỏ dọc theo thành ruột. Trong một số trường hợp nặng, có thể có hiện tượng chảy máu mô. Nguyên nhân của hiện tượng viêm có thể là do khẩu phần cho ăn không tốt hoặc cho ăn dạng thức ăn đông lạnh nhưng khi cá nuốt vào thức ăn chưa tan hết. Thế nhưng nguyên nhân phổ biến nhất của hiện tượng viêm trong đường tiêu hóa là do stress kết hợp với hiện tượng viêm nhiễm bởi các mầm bệnh khác nhau. Một vài loại virus, vi khuẩn và trùng roi, nếu hiện diện với số lượng đủ lớn sẽ gây ra hiện tượng viêm, nhưng rất khó xác định nếu thiếu trang thiết bị và kiến thức vi sinh thích hợp. Nếu nguyên nhân không được loại trừ, hiện tượng viêm sẽ càng ngày càng nặng thêm cho đến khi đường ruột ngừng mọi chuyển động tại khu vực bị viêm và đường đi của thức ăn sẽ bị tắc nghẽn.
    Trên thực tế, chúng ta chỉ kiểm tra được hiện tượng viêm khi mổ cá, nên bất cứ sự cố gắng điều trị nào cũng là quá trễ. Nếu chúng ta nghi ngờ hiện tượng viêm ruột trên cá thì nên tăng nhiệt độ lên khoảng 3oC, điều này sẽ đẩy mạnh hệ miễn dịch của cá. Vì khi nhiệt độ tăng sẽ kích thích sự sản xuất các tế bào miễn dịch và các kháng thể. Nếu tăng nhiệt độ vẫn không mang lại hiệu quả gì rõ rệt, hãy cho cá ăn kháng sinh chloramphenicol sẽ cho kết quả tốt.
    TẮC RUỘT
    Có rất nhiều lý do gây tắc ruột, có thể là do nhiễm số lượng lớn các loại giun hay là kết quả của hiện tượng viêm. Tuy nhiên, nguyên nhân phổ biến nhất lại là sử dụng hoàn toàn khẩu phần thức ăn có quá ít chất xơ hoặc không có chất xơ. Nhìn bề ngoài, tắc ruột dễ bị nhầm lẫn với sình bụng, nhưng sình bụng trong giai đoạn đầu cá không hề ăn trong khi tắc ruột cá vẫn ăn với số lượng ít. Cá tắc ruột chết rất nhanh, thể hiện triệu chứng ngộ độc trầm trọng. Một khẩu phần thức ăn tốt, đa dạng sẽ là phương cách phòng bệnh hiệu quả nhất. Điều trị không hề hiệu quả nếu tắc ruột quá lâu. Trong giai đoạn đầu có thể chữa trị hiệu quả bằng cách dùng thuốc nhuận tràng kết hợp với tăng nhiệt độ lên. Nếu thành công cần phải kết hợp với khẩu phần nhiều xơ ít nhất trong hai tuần.
    SÌNH BỤNG Bệnh sình bụng hiếm khi bùng nổ thành dịch, nó thường chỉ ảnh hưởng trên từng cá thể. Bệnh rất dễ nhận ra với sự sưng phồng to ở vùng bụng. Cá La hán nhiễm bệnh cần phải đưa ra hồ cách ly càng sớm càng tốt, vì nó cần được điều trị trong môi trường cách biệt với những con cá khác. Thông thường, bệnh này thường kết hợp với triệu chứng hình thành phân trắng, nhầy và những chỗ phồng nhỏ dọc theo đường giữa thân. Nếu cá không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào khác ngoài sưng phồng bụng thì rất có khả năng cá bị tắc ruột hay bị bướu và thường xảy ra khi cá đang ăn bình thường. Tuy nhiên, chắc chắn hay không chỉ xác định được khi mổ ra mà thôi.
    Bệnh sình bụng trong cá cảnh thường có nguyên nhân bắt đầu do nhiễm virus, sau đó kết hợp với nhiễm khuẩn. Do đó, sình bụng phải được xem như là một bệnh kết hợp. Ở giai đoạn đầu cá nhiễm bệnh thường có gan màu vàng. Nếu mổ bụng cá bị sình bụng, chúng ta sẽ thấy xoang bụng đầy chất lỏng, có thể rất lỏng hoặc có thể bán lỏng; một số bộ phận trong xoang cơ thể bị teo lại. Đôi lúc các dịch tích nơi xoang bụng tạo áp lực trên bong bóng khí, do đó làm cho cá la hán không nổi lên trên mặt nước được.
    Cá la hán bị sình bụng được điều trị với chloramphenicol trong hồ cách ly, lưu ý những con cá còn lại trong cùng một hồ cũng phải được phòng bệnh với Nifurpirinol (100 mg cho 40 lít nước).

    Nguồn : carongvietnam.com
     


Nếu chưa có nick trên chimcanhviet.vn thì dùng nick facebook bình luận nhé