GIAI ĐOẠN THUẦN CHIM

Thảo luận trong 'Vấn đề chung về Họa Mi' bắt đầu bởi ngoctuan, 22/4/18.

  1. ngoctuan

    ngoctuan Đại Bàng Bố Ban quản trị

    Tham gia ngày:
    11/9/10
    Bài viết:
    9,242
    Được thích:
    1,956
    Điểm thành tích:
    65
    Giới tính:
    Nam
    Nghề nghiệp:
    IT manager
    Nơi ở:
    Ho Chi Minh
    Bài 4 (tiếp)
    Phần II - GIAI ĐOẠN THUẦN CHIM
    5D86E86D-C00F-489D-85C4-DD1AD30398D1.jpeg
    ACE chơi họa mi thân mến!
    Ở phần I chúng ta đã xét qua giai đoạn vào cám cho những con chim hoàn toàn bổi và thay cám cho chim khi cần thiết. Phần này chúng ta cùng nhau xét đến những nét cơ bản khi muốn thuần hóa một con chim họa mi nhé. Đây là một vấn đề vô cùng phức tạp mà mất khá nhiều thời gian cùng với lòng kiên nhẫn, vì thế tôi kêu gọi những ACE đã chơi lâu năm đóng góp ý kiến và những kinh nghiệm quí báu để mọi người cùng chơi, đưa thú chơi họa mi thành một nét độc đáo, làm giầu thêm kho tàng văn hóa của dân tộc Việt chúng ta. Những gì tôi viết trong bài này mới chỉ là những kiến thức và kinh nghiệm rất hạn chế của bản thân tôi mà thôi. Trong cộng đồng người chơi họa mi còn rất nhiều ACE giầu kinh nghiệm và kiến thức. Một lần nữa xin kêu gọi ACE chung tay giữ gìn và xây dựng thú chơi tao nhã này của cha ông để lại nhé.
    Bây giờ chúng ta xét cụ thể những vấn đề cần làm trong giai đoạn thuần hóa một con chim họa mi.
    Giai đoạn này cần thời gian từ 8 tháng đến một năm hoặc vài năm tùy theo từng con chim già rừng hay còn non và có 2 trường hợp, đó là thuần chim có mái và thuần chim không mái.
    1- Thuần chim có mái
    Muốn thuần chim trông được tốt, con mái yêu cầu phải thật thuần, có tuổi lồng trên hai năm, biết ghẹ trống càng tốt. Chọn một góc tường ở sân không đông người quá, cũng đừng vắng quá để đặt lồng chim trống mộc. Lồng chim trống đặt cao chừng nửa mét đến một mét, phủ áo kín chỉ để hở phần cửa lồng quay sang phía chim mái.
    Lồng chim mái đặt cách lồng chim trống khoảng 1m đến 1,5m, thấp hơn lồng chim trống 0,3m là tốt nhất và để hở hoàn toàn (không phủ áo lồng).
    Hàng ngày vào lúc 13h00 đến 13h30 tắm cho chim mái trước. Lồng tắm đặt sao cho chim trống nhìn thấy chim mái tắm để nó bắt chước.
    Khoảng 1 tuần đến 10 ngày sau mang chim mái ra xa khuất hẳn chừng vài giờ. Chim mái nhớ trống sẽ xùy và chim trống sẽ hót trả lời hoặc ngược lại chim trống hót gọi trước và chim mái xùy để trả lời. Sau đó lại cho hai chim về vị trí cũ để chúng ghẹ nhau. Cứ như thế 3 đến 5 ngày một lần tách chim cho chúng gọi nhau. Sau chừng 45 ngày cho lồng mái cách xa ra khoảng 4 đến 6 mét nhưng vẫn để trống nhìn thấy và làm như trên. Áo lồng chim trống vén rộng dần ra. Chừng 180 ngày có thể bỏ hẳn mái đi chỗ khác, chim trống bắt đầu dạn người. Đến 240 ngày chim trống đứng lồng tạm được rồi. 300 ngày Chim trống đứng lồng không nhảy nữa, có thể mỗi ngày tắm xong thì bỏ hẳn áo lồng đến tối mới khoác vào. 360 ngày là việc thuần một con chim đã thành công nhưng chưa thật ổn định. Trong thời gian nuôi tiếp theo cần rất nhẹ nhàng, tránh những tiếng động mạnh, tránh va quệt hoặc rơi lồng và tuyệt đối không để mèo, chó, chuột đe dọa con chim của chúng ta. Đến đây nếu gần nhà có sân dượt chim, ta có thể mang chim đi dượt được rồi, bắt đâu hãy chơi biên, khi con chim quen dần hãy chuyển từng bước vào chơi ở khu trung tâm. Mất thêm 180 đến 200 ngày nữa là ta có một con chim choi tốt rồi.
    Nhớ tắm đều cho chim, ngày nào cũng vậy. Rét 10 độ chim vẫn tắm nhưng cho nó tí nước âm ấm. Năng cho tắm chim mau thuần hơn.

    B- Thuần chim không mái
    Thông thường người nuôi chim chiến mới cần đến mái còn những người nuôi chim hót giầu kinh nghiệm ít khi nuôi mái. Có mái chim mộc đỡ nhảy hơn và mau thuần hơn. Không có mái việc thuần chim sẽ lâu hơn một chút nhưng khi con chim đã thuần sẽ ổn định hơn, trong mọi điều kiện không cần phải co mái để ốp hay để kích nữa.
    Chọn một góc tường ở sân, nơi thỉnh thoảng có người qua lại nhưng đừng gần quá, đặt hoặc treo lồng chim cao chừng 1m, áo lồng phủ chỉ để hở một ít quay ra phía có người qua lại. Nên tránh việc có người cầm gậy gộc, cây lau nhà, chổi cán dài khua khoắng gần nơi đặt chim làm chim sợ nhảy tứ tung, lông lá tan nát, mặt mũi vỡ be bét máu me.
    Hàng ngày tắm cho chim vào lúc 10h30 hoặc 11h00. Trong khi chim tắm, ta đem lồng ra chỗ khác làm vệ sinh, tiếp thêm nước và thức ăn.
    Chừng vài ba giờ một lần cho nó vài con mồi tươi là đủ vì cám làm theo công thức trên đã nhiều đạm lắm rồi, nếu nhiều mồi tươi quá chim có thể bị ỉa chảy. Khi cho môi tươi hay mọi động tác phục vụ khác đều phải rất nhẹ nhàng, không làm chim sợ hãi đột ngột. Dùng cái panh kẹp gắp mồi tươi nhẹ nhàng đưa vào cóng mồi. Khi phát hiện chim thay lông, nên cho ăn tăng khoáng chất lên gấp rưỡi để quá trình thay lông được nhanh, đủ chất cho chim làm lông mới.
    Một tháng sau vén rộng dần cửa áo lồng. Khoảng 3 đến 5 ngày dùng còi xùy, điện thoại hay máy tính xùy cho chim hót một lần vào buổi sáng lúc 9h00 đến 9h30 hoặc lúc 16h00 đến 16h30. Những con tự hót được thì không cần xùy kích. Tuyệt đối tránh kích xùy nhiều. Xùy vô tội vạ sẽ rất hại chim. 8 tháng có thể bỏ áo lồng sau khi tắm, đến tối khoác lại. Một năm chim đứng lồng. Một năm rưỡi chim thuần lắm rồi, có thể xách đi chơi, đi dượt được.
    Tôi xin nhắc lại, bí quyết muôn thủa của việc này là KIÊN NHẪN.
    Chúc ACE vui vẻ và thuần được những con chim như ý nguyên.
    Bài sau chúng ta sẽ xét về một số bệnh mà họa mi thường mắc và cách phòng chữa.
    Vì đây chỉ là những nét kiến thức sơ giản và cơ bản nhất nên bạn nào có cách khác tốt hơn cứ phát biểu để ace cùng chơi nhé.
    9AAC6D8E-89F8-4DB8-9FD3-8FE30A8B00B6.jpeg 75CA2C33-0ACA-43A0-B024-765B0AFF1D47.jpeg
    Chào thân ái!
    Atpic Lâm Kiệt
     


Nếu chưa có nick trên chimcanhviet.vn thì dùng nick facebook bình luận nhé